Quan tâm, ủng hộ phụ nữ tham gia Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp chính là góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và bảo đảm sự phát triển bền vững của xã hội. Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới đã đưa ra chỉ tiêu: Phấn đấu đạt tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021 là trên 35%.
Chất vấn trên nghị trường, đi giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng là những công việc các nữ đại biểu Quốc hội phải làm. Thực tiễn cho thấy, nữ đại biểu Quốc hội đã có những đóng góp quan trọng trong sự đổi mới hoạt động của Quốc hội. Tuy nhiên, tỷ lệ nữ trúng cử vào cơ quan dân cử trong những kỳ bầu cử vừa qua so với năng lực của họ vẫn chưa thực sự tương xứng.
Từ các buổi vận động bầu cử trong mấy tuần qua đã cho thấy, nhiều chương trình hành động của các nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân mang tính thuyết phục cao, nhất là những vấn đề liên quan đến đời sống, việc làm của đại bộ phận cư tri. Nếu được bầu, họ sẽ là những người sẽ mang được các nỗi lo lắng thường ngày hiện nay của mỗi gia đình đến với các cơ quan dân cử một cách sát thực và thuyết phục.
Để nâng cao tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trên 35% trong nhiệm kỳ này, ngoài các chương trình hành động mang tính thuyết phục cao cần có sự thay đổi nhận thức của cử tri về bình đẳng giới.
Đảm bảo đạt tỷ lệ 35% phụ nữ trong cơ quan dân cử sẽ là điều kiện, cơ hội để bảo đảm các chính sách được hoạch định, ban hành và thực thi có tính đến quan điểm, kinh nghiệm của cả phụ nữ và nam giới. Khi đó, chính sách sẽ thực sự đi vào cuộc sống. Song để đạt được tỷ lệ này rất cần đến sự sáng suốt trong mỗi lá phiếu của cử tri.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online.