Doanh nghiệp nói gì về chiến lược phát triển nguồn nhân lực bền vững và hội nhập?

PV-Thứ bảy, ngày 20/08/2022 11:57 GMT+7

VTV.vn - Nhiều doanh nghiệp đã phản ánh thực trạng và đề xuất giải pháp phát triển nguồn nhân lực tại Hội nghị “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập”.

Tham dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc về "Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập" khai mạc sáng nay (20/8) tại Trụ sở Chính phủ, các doanh nghiệp đã thẳng thắn nhìn nhận thực trạng, nêu lên những khó khăn, vướng mắc đồng thời đề xuất các giải pháp để phát triển nguồn nhân lực bền vững hơn trong quá trình hội nhập. 

Doanh nghiệp nói gì về chiến lược phát triển nguồn nhân lực bền vững và hội nhập? - Ảnh 1.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường: Doanh nghiệp phải chuyển đổi đáp ứng xu thế mới của nhân lực trong thời gian tới - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường cho biết: Trong năm 2022, các chính sách mở cửa cũng như các chính sách đối phó linh hoạt với dịch COVID-19, các gói kích cầu kinh tế đã mang lại sự hồi phục, tăng trưởng trong lĩnh vực du lịch. Tuy nhiên, với doanh nghiệp du lịch cũng như doanh nghiệp trong lĩnh vực khác, chúng tôi cũng có khó khăn, cụ thể:

Thứ nhất là nguồn cung lao động chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế, đặc biệt là các lao động có trình độ chuyên môn cao. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, hằng năm, với định hướng phát triển du lịch thành kinh tế mũi nhọn, chúng ta cần đến 40.000 lao động có trình độ thì các trường đào tạo nghề, trường cao đẳng hiện nay cũng chỉ đáp ứng được khoảng 15.000, như vậy thiếu hụt rất lớn.

Thứ hai là chi phí lao động tăng nhanh nhưng tay nghề còn hạn chế, khả năng đáp ứng chưa cao. Theo thống kê có đến 90% doanh nghiệp gặp phải tình trạng ứng viên không phù hợp, thử việc xong cũng phải xin nghỉ.

Vấn đề thứ ba là doanh nghiệp phải chuyển đổi đáp ứng xu thế mới của nhân lực trong thời gian tới. Họ yêu cầu hình thức làm việc linh hoạt hơn về thời gian cũng như địa điểm. Thứ hai là họ muốn chuyển dịch từ cố định sang tự do. Thứ ba là tỷ lệ nhân viên nghỉ việc có xu hướng tăng lên rất đáng kể trong ngành du lịch.

Với kinh nghiệm của Sun Group, chúng tôi tập trung vào 3 trụ cột chính để đẩy nhanh quá trình phục hồi tăng trưởng và quan tâm sức khỏe nguồn lao động của mình. Thứ nhất là chú trọng môi trường làm việc chuyên nghiệp, nhân văn với các chế độ đãi ngộ đa dạng. Thứ hai, ưu tiên chuyển đổi số trong công tác quản trị, vận hành và quan trọng nhất là kiên trì phát triển văn hóa doanh nghiệp làm nền tảng cho phát triển của doanh nghiệp.

Với các chính sách để đóng góp với hội nghị, tôi xin có 3 ý kiến như sau:

Thứ nhất phải nâng cao vai trò, nhận thức của giáo dục nghề nghiệp, ví dụ như ở Singapore, những năm 60 có đến 95% hướng nghiệp là đi học đại học, nhưng đến thời điểm này tôi được biết là có đến 65% được phân luồng để học đào tạo nghề hoặc giáo dục hướng nghiệp. Cần có sự hợp tác đa phương giữa đào tạo nghề giữa nhà trường và doanh nghiệp, bao gồm hệ thống các trường cao đẳng, đại học chính quy với các hiệp hội nghề nghiệp, trung tâm giới thiệu việc làm và doanh nghiệp. Có chính sách ưu đãi về thuế trong tổng thể chiến lược để có gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và có cơ chế hỗ trợ ngân sách giải ngân để Nhà nước đồng hành với doanh nghiệp trong hoạt động dạy nghề và tái đào tạo kỹ năng của người lao động.

Vấn đề thứ hai, như báo cáo của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã nói rất rõ là có sự mất cân đối trong cung-cầu cho các địa bàn do thiếu đồng bộ trong cơ sở hạ tầng cũng như cơ sở xã hội. Ví dụ như Sun Group khi đầu tư, đưa vào vận hành các tổ hợp, công trình ở vùng sâu, vùng xa thì gặp rất nhiều khó khăn trong thu hút nhân sự vì hạ tầng phục vụ sinh hoạt cơ bản còn thiếu, cũng như phải cạnh tranh với nguồn lao động phi chính thức tăng rất cao. Chúng tôi cũng muốn có chính sách cụ thể để hỗ trợ cho việc hạ tầng, đào tạo đi trước một bước. Chúng tôi muốn có sự an cư lạc nghiệp với người lao động bằng cách có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở cho người lao động, hoặc chính sách thuế thu nhập cá nhân đối với đối tượng cần được hỗ trợ nhà ở. Ngoài ra, có thể mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội cho các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động tại các địa phương xa, vùng khó khăn, thu hút được người lao động đến. Tăng trần hạch toán chi phí phúc lợi vào chi phí doanh nghiệp. Hiện nay, doanh nghiệp chỉ được hạch toán tối đa tổng chính sách phúc lợi tương đương 4 tháng tiền lương, chưa đủ để có phúc lợi hấp dẫn thu hút người lao động vào địa bàn, vùng miền khó khăn, chưa có điều kiện sinh hoạt tốt.

Thứ ba là cần có cơ chế ưu đãi khuyến khích các khoản đầu tư về công nghệ phục vụ cho chuyển đổi số để đáp ứng với sự phát triển bền vững.

Doanh nghiệp nói gì về chiến lược phát triển nguồn nhân lực bền vững và hội nhập? - Ảnh 2.

Tổng Giám đốc Vingroup Nguyễn Việt Quang mong muốn Chính phủ, chính quyền các địa phương, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ trong tuyển dụng và đào tạo nhân sự - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tổng Giám đốc Vingroup Nguyễn Việt Quang: Về tình hình thực tế lao động, với tiêu chí bền vững, hiện đại, hội nhập, Vingroup đang tiên phong thu hút sử dụng lực lượng lao động với trí tuệ Việt và kinh nghiệm, tri thức phương Tây.

Hiện nay, Vingroup có 3 mảng hoạt động chính: Công nghệ, công nghiệp; thương mại, dịch vụ; thiện nguyện xã hội. Với tổng số nhân sự 45.000 người, đang dự kiến tăng lên 150.000 người trong 2 năm tới. Nhân sự của Tập đoàn Vingroup bao trùm tất cả cấp độ từ người lao động phổ thông sau khi được đào tạo cơ bản, có khả năng chăm sóc các chất lượng dịch vụ ở chuỗi khách sạn 5 sao, tham gia xây dựng các công trình lớn nhất của Việt Nam ở Vinhome tới những lao động cấp cao người Việt có khả năng quản trị dẫn dắt hàng trăm nhân sự cao cấp trong lĩnh vực nghiên cứu sản xuất công nghệ, thương mại dịch vụ...

Hiện nay Vinfast và Vingroup đang có gần 1.000 chuyên gia đến từ gần 20 quốc gia phát triển trên thế giới. Nghiệp vụ của các chuyên gia ở Việt Nam không chỉ giúp chúng tôi triển khai các dự án nghiên cứu sản xuất trong mảng công nghệ, công nghiệp mà quan trọng hơn là tham gia vào quá trình đào tạo huấn luyện xây dựng đội ngũ nhân sự có chất lượng quốc tế.

Trong vòng 3 năm tới, Vingroup đang có kế hoạch mở ra Trung tâm kết nối trí tuệ toàn cầu tại Khánh Hòa nhằm quy tụ những bộ óc lớn nhất thế giới với các chuyên gia đang sở hữu bằng sáng chế, các nghiên cứu chuyên sâu, Vingroup sẽ hỗ trợ họ phát triển ứng dụng để Việt Nam có một Thung lũng Silicon - nơi quy tụ tinh hoa của thế giới.

Về nhu cầu tuyển dụng trong thời gian tới, trong 2 năm tới, Vingroup cần 100.000 nhân sự trong đó có khoảng 20% là nhân sự cao cấp đã qua đào tạo tối thiểu là trình độ đại học. Khoảng 10% cho khối sản xuất, phục vụ sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài. Chúng tôi cũng khẳng định rằng, Vingroup khi đi ra thế giới sẽ mang theo khát vọng của Việt Nam và chỉ có thể dựa vào con người. Ở trong nước, chúng ta khẳng định thương hiệu, chất lượng, uy tín, tốc độ nhưng ra nước ngoài chúng ta được biết đến như một đất nước kiên cường, bền bỉ; chúng ta sử dụng chất xám Việt trên nền tảng kiến thức và kinh nghiệm của các chuyên gia quốc tế trong việc chinh phục thế giới bằng sản phẩm, thương hiệu chất lượng và chất xám của Việt Nam.

Về kế hoạch 5 năm tới, Vingroup dự kiến xây đựng 500.000 căn nhà xã hội và một loạt dự án xây dựng được triển khai tại Quảng Ninh, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, cùng với việc mở mới nhà máy pin tại Vũng Áng (Hà Tĩnh), mở rộng sản xuất nhà máy ô tô điện ở Hải Phòng, chúng tôi cần tuyển gấp khoảng từ 80.000-100.000 công nhân cho các dự án này.

Chúng tôi đề nghị Chính phủ, chính quyền các địa phương, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng phối hợp với Vingroup hỗ trợ trong tuyển dụng và đào tạo nhân sự. Một số đơn vị thành viên của Vingroup đã có các chương trình hợp tác song phương với các trường đại học lớn như VinUni, Đại học Ngoại thương, Đại học Ngoại giao, Đại học Bách khoa… để đưa trí tuệ, kinh nghiệm của chúng tôi trở thành chương trình đào tạo phổ biến khoa nhằm nâng cao chất lượng đại học.

Với chính quyền địa phương, Vinfast và công ty xây dựng Vinhome đang có nhu cầu tuyển dụng hàng chục nghìn lao động để đào tạo và phát triển họ thành những công nhân lành nghề. Chúng tôi cần các địa phương phối hợp cung cấp nguồn nhân lực số lượng lớn, đã qua đào tạo cơ bản, có định hướng về tinh thần làm việc thái độ làm việc, đặc biệt coi trọng tinh thần kỷ luật. Vingroup sẽ có chế độ đãi ngộ tốt nhất để họ yên tâm công tác.

Vingroup bày tỏ ước vọng tiên phong mang sản phẩm, công nghệ ra thế giới. Đó là con đường cần thiết để chúng ta định vị chất lượng, chất xám Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng rằng Chính phủ sẽ có những chương trình đồng hành cùng các doanh nghiệp để thực hiện khát vọng này. Vingroup sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ các doanh nghiệp khác trên hành trình này.

Để xây dựng lực lượng lao động hiện đại, bền vững, hội nhập trong ngắn hạn, cách tiếp cận của chúng tôi là học nhanh nhất từ những người giỏi nhất và đưa việc học vào sản phẩm dịch vụ thực tế để tiếp tục cải tiến. Về ngắn hạn, chúng tôi tiếp tục đầu tư cho chất lượng nhân sự hay nói đúng hơn là chất lượng dân số cả về sức khỏe, trí tuệ. Từ câu chuyện giáo dục ở Vinschool, VinUni, Vinfuture, Vinglobal… tới những câu chuyện chia sẻ, lan tỏa, nhân rộng kinh nghiệm xương máu của Vingroup cho thế hệ tương lai và các doanh nghiệp bạn muốn học hỏi.

Vingroup hết sức ủng hộ các chương trình của Chính phủ, đặc biệt là việc phối hợp với các địa phương, trong đó có bài toán cụ thể cho từng địa phương nếu địa phương nào có nhu cầu. Bởi hoạt động sản xuất kinh doanh của Vingroup trải dải khắp cả nước và vươn ra thế giới. Vingroup sẽ cử những nhân sự phụ trách phối hợp chặt chẽ với các địa phương và các trường, các doanh nghiệp bạn trong việc đào tạo nhân sự.

Doanh nghiệp nói gì về chiến lược phát triển nguồn nhân lực bền vững và hội nhập? - Ảnh 3.

Tổng Giám đốc Trường Hải THACO Phạm Văn Tài đề xuất các giải phát phát triển thị trường lao động - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tổng Giám đốc Trường Hải THACO Phạm Văn Tài: Tập đoàn Trường Hải THACO được thành lập năm 1997, khởi đầu là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ô tô, đến nay THACO đã phát triển thành tập đoàn công nghiệp đa ngành, bao gồm các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế đất nước như: Ô tô, nông nghiệp, cơ khí, công nghiệp hỗ trợ, thương mại, dịch vụ, đầu tư xây dựng… và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; thực hiện sứ mệnh mang lại giá trị cho khách hàng, đối tác, xã hội, đóng góp cho phát triển kinh tế đất nước.

THACO hoạch định chiến lược phát triển nguồn nhân lực gắn với chiến lược sản xuất kinh doanh và chiến lược kỹ thuật số, hướng tới phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập khu vực và thế giới.

Tổng số nhân sự THACO hiện nay là trên 60.000 người, bao gồm trong nước 30.000 và nước ngoài 30.000. Trong đó, trình độ đại học, trên đại học 32%; cao đẳng, kỹ thuật 18%; công nhân kỹ thuật 50%.

Trong giai đoạn 2022-2025, THACO có nhu cầu nhân sự tăng 15%/năm, tức là khoảng 9.000 - 10.000 việc làm/năm.

Để đảm bảo số lượng và chất lượng nguồn nhân lực nhằm thực hiện chiến lược đa ngành, phát triển bền vững, trong giai đoạn qua, THACO đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào công tác tuyển dụng, đào tạo với quan điểm: Tuyển dụng tại địa phương nơi THACO đầu tư sản xuất kinh doanh để góp phần giải quyết lao động, an sinh xã hội; chủ động trong công tác đào tạo, huấn luyện, thường xuyên phát triển nhân sự, kiện toàn và nâng cấp quản trị nhân sự đáp ứng chiến lược sản xuất, kinh doanh từng giai đoạn.

Cụ thể, từ năm 2010, THACO đã thành lập trường Cao đẳng nghề để chủ động đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; đào tạo từ trung cấp đến cao đẳng các ngành nghề: Công nghệ ô tô, điện cơ khí, điện công nghiệp, bảo trì thiết bị cơ điện, công nghệ thực phẩm… với quy mô đào tạo 2.000 sinh viên/năm.

Đến nay, THACO đã đào tạo trên 2.500 trình độ cao đẳng, 2.000 nhân sự sơ cấp, trung cấp, 200 kỹ sư thực hành. Học viên trường Cao đẳng THACO được miễn học phí, được thực tập trên dây chuyền sản xuất tại các nhà máy, vừa học vừa làm có lương, được bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp. Thời gian tới sẽ thành lập thêm các trung tâm đào tạo, thành lập trường đại học THACO để nâng cấp đào tạo nguồn nhân lực thế hệ mới.

Thứ hai là phối hợp với các Sở GD&ĐT trên địa bàn để định hướng nghề nghiệp cho học sinh cuối cấp thi vào các trường đại học, cao đẳng phù hợp với lĩnh vực sản xuất kinh doanh đa ngành của THACO, góp phần có việc làm sau khi tốt nghiệp.

Thứ ba là hợp tác liên kết trường đại học, viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục đào tạo trong các hoạt động đào tạo như kiến tập, thực tập, góp ý nội dung chương trình đào tạo chuẩn đầu ra, phối hợp tuyển dụng và đào tạo lại.

Thứ tư là tuyển dụng chuyên gia từ các nước tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc để đào tạo công nghệ, kỹ thuật và công nghiệp điện tử.

Thứ năm là hoàn thiện chính sách, chế độ, xây dựng và phát triển môi trường làm việc văn hoá, thu hút nhân sự phù hợp chiến lược phát triển và quản trị đặc của THACO. Phát triển nhân sự là trách nhiệm và mục tiêu doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn mới với tầm nhìn là công nghiệp đa ngành, phát triển bền vững trong khu vực và thế giới.

Tại hội nghị, THACO đề xuất các giải phát phát triển thị trường lao động, đó là: Ban hành hệ thống chính sách đồng bộ trong phát triển nguồn nhân lực theo quy hoạch phát triển kinh tế vùng; chú trọng tổ chức hệ thống giáo dục và đào tạo từ trường phổ thông đến đại học và các trường đào tạo nghề theo hướng tiếp cận ngành giáo dục uy tín của khu vực và thế giới; tập trung phát triển nhân lực có trình độ cao để tập trung các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Thứ hai, nâng cao hiệu quả, tránh lãng phí trong nguồn nhân lực. Đặc biệt cần hạn chế tình trạng đào tạo ra không có việc làm, tổ chức đào tạo lại, xây dựng cơ chế hợp tác, phát triển nguồn nhân lực của Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp; có dự báo xu hướng nhu cầu lao động chính xác trong giai đoạn mới.

Thứ ba, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, khoa học công nghệ, trung tâm đào tạo nhân tài, từng bước hiện đại hoá theo tiêu chuẩn quốc tế; đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp nghiên cứu, đào tạo theo xu thế chuyển đổi số hiện nay.

Thứ tư, ban hành cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp để có thể thu hút ngày càng nhiều chuyên gia nước ngoài, chuyên gia cao cấp đến làm việc, nghiên cứu khoa học, đào tạo, chuyển giao công nghệ và tham gia phục vụ sản xuất nhằm tăng cường khả năng hội nhập quốc tế cho nhân lực Việt Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước