Đổi mới chương trình hành động về tiết kiệm, chống lãng phí

Ban Thời sự/TTXVN-Thứ ba, ngày 23/08/2022 12:38 GMT+7

VTV.vn - Chủ tịch Quốc hội lưu ý Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất phong trào thi đua về thực hành tiết kiệm chống lãng phí cả trong sản xuất, tiêu dùng.

Sáng 23/8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát của Quốc hội với một số Bộ, ngành trong thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.

Chủ tịch Quốc hội và các đại biểu đánh giá cao việc chuẩn bị báo cáo và kết quả của đoàn giám sát đối với Bộ Tài chính, một trong những đơn vị vừa phải thực hành tiết kiệm chống lãng phí vừa có trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực này.

Lưu ý Bộ nghiên cứu kiến nghị với Chính phủ cải tiến chương trình hành động hàng năm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tinh thần là vừa đảm bảo tính toàn diện nhưng cần có trọng tâm trọng điểm, đổi mới toàn diện cách thức triển khai, tổng kết, sơ kết và xây dựng báo cáo.

Đổi mới chương trình hành động về tiết kiệm, chống lãng phí - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý Bộ Tài chính nghiên cứu để sau đợt giám sát này đề xuất một cuộc vận động, một phong trào thi đua về thực hành tiết kiệm chống lãng phí cả trong sản xuất, tiêu dùng, trong lĩnh vực công và tư. Gợi ý xem xét ban hành chính sách quốc gia về thực hành tiết kiệm bởi thất thoát lãng phí đôi khi còn lớn hơn cả tham nhũng.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý Bộ Tài chính tham mưu kiến nghị Chính phủ rà soát lại việc miễn, giảm thuế bằng công văn, nhất là với các doanh nghiệp FDI, xử lý tồn đọng trong các dự án BT, BOT cũng như rà soát các Nghị định về quản lý nợ công để tránh lãng phí.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính do Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trình bày, từ năm 2016-2021, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính đã tiết kiệm được 6.087,9 tỷ đồng trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán, sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước; cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành; cắt giảm, tạm dừng các hạng mục công trình chưa thực sự cần thiết hoặc hiệu quả còn thấp; tinh giản được 1.166 biên chế, đạt 105% kế hoạch; giảm từ 36 xuống còn 26 đơn vị sự nghiệp công lập.

Trong lĩnh vực quản lý, từ năm 2016-2021, Bộ Tài chính đã tính giảm chi ngân sách Nhà nước khoảng 22.300 tỷ đồng (ngân sách Trung ương giảm khoảng 12.800 tỷ đồng, ngân sách địa phương giảm khoảng 9.500 tỷ đồng). Năm 2021 tiếp tục giảm chi ngân sách Nhà nước khoảng 3.260 tỷ đồng gắn với thực hiện tinh giản biên chế và sắp xếp lại tổ chức bộ máy, trong đó chi ngân sách Trung ương giảm 875 tỷ đồng; ngân sách địa phương giảm khoảng 2.385 tỷ đồng.

Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị các địa phương tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên và 70% công tác phí, hội nghị phí năm 2020-2021. Kết quả, 6 tháng cuối năm 2020, các địa phương cắt giảm 70% công tác phí là 1.046 tỷ đồng, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên là 6.441 tỷ đồng. Năm 2021, Bộ cắt giảm 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước là 896,6 tỷ đồng, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên là 5.046 tỷ đồng.

Trên phạm vi cả nước, giai đoạn 2016-2021, tổng số tiết kiệm kinh phí ngân sách, vốn Nhà nước là 350 nghìn tỷ đồng; giảm giá trị đề nghị quyết toán 27,7 nghìn tỷ đồng qua thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành sử dụng vốn Nhà nước; giảm 6 đơn vị hành chính cấp huyện, 546 đơn vị hành chính cấp xã; giảm 12,35% số đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015. Từ năm 2015 đến năm 2020 đã tinh giản được 74.443 biên chế.

Qua thanh tra, kiểm tra việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã kiến nghị thu hồi ngân sách Nhà nước 181 nghìn tỷ đồng, thu hồi 7.675ha đất…

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước