"Đổi tên Luật và thẻ CCCD thành Luật Căn cước và thẻ căn cước là phù hợp"

Tạ Hiển-Thứ tư, ngày 15/11/2023 10:43 GMT+7

VTV.vn - Thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội đề nghị cho sử dụng tên gọi Luật Căn cước và thẻ căn cước như Chính phủ trình.

Thay đổi hình thức, tên gọi của thẻ căn cước là phù hợp với xu hướng quản lý xã hội số

Sáng 15/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước.

Liên quan việc đổi tên luật (Luật Căn cước công dân (sửa đổi) thành Luật Căn cước) và thẻ (Căn cước công dân thành Thẻ căn cước), trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sau khi Quốc hội cho ý kiến ở đợt 1 của Kỳ họp thứ 6, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, có ý kiến cho rằng, trong thời gian vừa qua đã có nhiều thay đổi về hình thức, nội dung và tên gọi của thẻ căn cước, vì vậy, đề nghị cân nhắc về tên gọi của Luật; đề nghị không đổi tên Luật và tên thẻ thành thẻ căn cước.

Đổi tên Luật và thẻ CCCD thành Luật Căn cước và thẻ căn cước là phù hợp - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới.

Nêu giải trình của Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, ông Lê Tấn Tới nhấn mạnh, việc thay đổi hình thức, nội dung, tên gọi của thẻ căn cước là phù hợp với xu hướng quản lý xã hội số, với nội dung được bổ sung bao quát, toàn diện, đầy đủ thông tin trong thẻ căn cước và hình thức, phương thức quản lý số tính khoa học, đại chúng, giúp cho Nhà nước quản lý chặt chẽ các đối tượng, đồng thời hỗ trợ người dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, tham gia các hoạt động, giao dịch hành chính, dân sự, hoạt động xã hội tiện lợi, phù hợp với môi trường số, xã hội số.

Bên cạnh đó, Luật Căn cước công dân hiện hành chỉ quy định về cấp thẻ Căn cước công dân cho công dân Việt Nam từ 14 tuổi trở lên; dự thảo Luật Chính phủ trình bổ sung đối tượng áp dụng là công dân dưới 14 tuổi và người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam (người gốc Việt Nam); đối với người gốc Việt Nam thì không cấp thẻ căn cước mà chỉ cấp giấy chứng nhận căn cước. Do đó, việc đổi tên Luật và tên thẻ như Chính phủ trình là cần thiết, phù hợp với phạm vi và để bao hàm hết đối tượng điều chỉnh của dự thảo Luật.

Ngoài ra, việc bổ sung điều chỉnh và cấp giấy chứng nhận căn cước cho đối tượng là người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam nhằm tạo thuận lợi cho người gốc Việt Nam được hưởng các quyền cơ bản của con người. Thực tế hiện nay, do không có giấy tờ tùy thân, họ rất khó khăn trong việc đi lại, giao dịch, lao động, sở hữu tài sản… nên cần cấp giấy chứng nhận căn cước cho họ. Bên cạnh đó còn nhằm thực tế hoạt động bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Từ những lý do trên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, việc điều chỉnh tên gọi là Luật Căn cước và thẻ căn cước là hoàn toàn phù hợp cả về phạm vi và đối tượng điều chỉnh của dự thảo Luật; đạt các mục đích quản lý và phục vụ Nhân dân. Vì vậy, Thường trực UBQPAN đề nghị UBTVQH cho sử dụng tên gọi Luật Căn cước và thẻ căn cước như Chính phủ trình.

Về ý kiến của đại biểu cho rằng, dự thảo Luật chưa xác định vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của trung tâm dữ liệu quốc gia nên quy định việc kết nối với các cơ sở dữ liệu là chưa phù hợp.

Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Thường trực UBQPAN đề nghị UBTVQH cho bổ sung khoản 19 Điều 3 quy định về trung tâm dữ liệu quốc gia: Trung tâm dữ liệu quốc gia là nơi tập hợp, lưu trữ, xử lý, điều phối thông tin, dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin để cung cấp các ứng dụng liên quan đến dữ liệu và hạ tầng thông tin theo quy định của Chính phủ.

Bên cạnh đó, ông Lê Tấn Tới cũng cho biết, về thu thập thông tin trong Cơ sở dữ liệu cá nhân, bên cạnh việc thu thập vân tay, Chính phủ đã bổ sung quy định thu thập mống mắt trong thông tin căn cước để làm cơ sở đối soát và xác thực thông tin của mỗi cá nhân. Thường trực UBQPAN đề nghị UBTVQH cho giữ nội dung này như dự thảo Luật trình Quốc hội.

Cần giải trình rõ thêm về việc đổi tên Luật và thẻ căn cước

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Thường trực UBQPAN đã phối hợp rất tốt với Bộ Công an và các cơ quan hữu quan, đảm bảo chất lượng dự án Luật Căn cước, đủ điều kiện để trình Quốc hội biểu quyết thông qua.

Đổi tên Luật và thẻ CCCD thành Luật Căn cước và thẻ căn cước là phù hợp - Ảnh 2.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Các nội dung đã tiếp thu thể hiện tính thận trọng, lắng nghe ý kiến của đại biểu, tạo sự thống nhất cao. Đến nay, đa số các ý kiến đều đồng ý với việc đổi tên luật và thẻ căn cước. Về trung tâm dữ liệu quốc gia, Chủ tịch Quốc hội cho rằng trong dự thảo Luật cần định nghĩa đây là địa điểm hay cơ quan đơn vị.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý báo cáo giải trình cần nhấn mạnh thêm những nội dung đã tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội. Một số ý kiến cần giải trình một cách hợp lý hơn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng cho biết một số đại biểu gửi thư nêu ý kiến về vấn đề về việc đổi tên luật và thẻ nên cần phải giải trình rõ thêm. Trong đó cần nhấn mạnh việc tích hợp đầy đủ thông tin một cách khoa học trong thẻ Căn cước và đổi tên thành thẻ Căn cước sẽ tạo điều kiện cho các công tác quản lý nhà nước và thuận tiện cho người dân trong tham gia các hoạt động xã hội cũng như giao dịch hành chính, dân sự.

Đổi tên Luật và thẻ CCCD thành Luật Căn cước và thẻ căn cước là phù hợp - Ảnh 3.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương

Về trung tâm dữ liệu quốc gia, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, đây là trung tâm kỹ thuật, không phát sinh hay làm tâng biên chế tổ chức, Bộ Công an sẽ có trách nhiệm giao nhiệm vụ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong công dân về dự án Luật, đồng thời đề nghị có quy định về trường hợp thẻ CCCD hết hiệu lực sau thời hạn Quốc hội thông qua Luật Căn cước và trước ngày có hiệu lực là 1/7.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm bày tỏ sự nhất trí với các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp với Ủy ban Quốc phòng An ninh để giải trình thêm các nội dung trong dự thảo Luật.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước