Trong bối cảnh dịch bênh, Quốc hội vừa rồi đã họp theo phương thức trực tuyến kết hợp trực tiếp. Tuy nhiên kỳ họp vẫn diễn ra rất chất lượng bởi đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, khoa học; các đại biểu cũng đã tham gia các ý kiến rất thẳng thắn, xây dựng, đầy trách nhiệm, phản ánh được tâm tư và nguyện vọng của cử tri.
Công tác tổ chức
Tại các phiên thảo luận trực tuyến của đợt 1 kỳ họp vừa qua, điểm cầu hội trường Diên Hồng được kết nối với 62 Đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương.
Sự chuẩn bị kỹ lưỡng về hạ tầng, công nghệ đã giúp phiên họp diễn ra thông suốt, hiệu quả, không bị gián đoạn.
Bà Lò Thị Luyến - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên - cho hay: "Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định rất đúng đắn. Đây là thể hiện sự quyết tâm và thích ứng linh hoạt trong tình hình dịch bệnh phức tạp như thế này. Việc tổ chức họp trực tuyến theo như cá nhân cảm quan của tôi thì công tác phục vụ, kết nối đường truyền rất tốt".
Ngoài ra, tuỳ vào nội dung được thảo luận, ở các đầu cầu địa phương còn có sự tham dự đại diện của các sở ngành liên quan. Đây cũng là điểm mới được đánh giá cao.
Bên cạnh việc chuẩn bị về mặt kỹ thuật, hậu cần, Quốc hội cũng đã họp cả thứ 7 chủ nhật để nhờ đó mà thời gian làm việc dù ngắn nhưng vẫn đảm bảo chất lượng.
Tại đợt họp này, Quốc hội tiến hành xem xét, cho ý kiến 7 dự án luật. Trước đó từng dự án luật đều được mổ xẻ, cho ý kiến, tổ chức nhiều buổi tham vấn chuyên gia. Điều này thể hiện tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa và luôn coi người dân, doanh nghiệp là trọng tâm trong mọi quyết nghị của Quốc hội.
Lập pháp từ sớm từ xa
Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê.
Dù sửa phụ lục, danh mục chỉ tiêu là việc đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, tuy nhiên nhiều ý kiến đề nghị cần phải sửa đổi một số điều hoặc toàn diện Luật Thống kê sẽ tốt hơn cho công tác hoạch định và điều hành chính sách vĩ mô.
Trước đòi hỏi cao từ phía Quốc hội, Chính phủ cũng đã cầu thị và nỗ lực trong 1 tháng trước khi diễn ra khi họp. Kết quả là dự án luật mới được trình tại Kỳ họp thứ 2 đã được đổi tên thành Luật sửa đổi một số điều của Luật Thống kê với phạm vi điều chỉnh rộng hơn, nhiều nội dung cập nhật hơn.
Hay như dự án Luật Điện ảnh sửa đổi, một tư duy tiến bộ về lập pháp được thể hiện rõ nét.
"Khi chúng ta sửa đổi Luật Điện ảnh thì không phải là chúng ta sửa luật, Điều 5 Điều 6 hay Điều 10, Điều 11 mà chúng ta sửa đổi cả một cái tư duy về phát triển điện ảnh, tức là chúng ta phát triển là phát triển công nghiệp điện ảnh, một ngành kinh tế sáng tạo để phát huy tiềm năng của người nghệ sĩ, của vốn văn hóa, của công nghệ và kỹ năng kinh doanh để tạo ra các tác phẩm điện ảnh. Khi thay đổi tư duy như thế, cách làm luật cũng phải khác" - ông Bùi Hoài Sơn, đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội nói.
Ý kiến cử tri
Qua quan sát nghị trường và các phiên họp tổ những ngày qua, có thể thấy những ý kiến đóng góp cho các dự án luật rất thẳng thắn, sát với thực tiễn, nêu rõ tác động của luật lên các đối tượng và từng lĩnh vực mà luật bao phủ. Theo dõi Quốc hội, cử tri bước đầu đã có những đánh giá tích cực cũng như gửi gắm nhiều kỳ vọng cho đợt họp tới đây.
Ông Nguyễn Văn Hai - cử tri TP. Đà Nẵng - cho biết: "Theo dõi khai mạc và thảo luận ở các tổ, tôi thấy các đồng chí làm việc hết sức trách nhiệm, đưa ra và thảo luận nhiều vấn đề sâu sát, chia sẻ có trách nhiệm với Chính phủ. Trong hoàn cảnh như thế, các đồng chí cũng rất quan tâm đến cuộc sống người dân, công tác phòng chống dịch và phục hồi kinh tế".
"Tôi cũng mong muốn sắp tới Quốc hội cần bàn thảo thêm và đưa nhiều vấn đề về chăm lo cho gia đình mà đã có những mất mát trong đợt dịch COVID-19 vừa rồi và các chính sách cụ thể, có chiến lược lâu dài chứ không chỉ một giai đoạn nhất định bởi vì mất mát này là mất mát vĩnh viễn chứ không phải chỉ ở trong một thời gian ngắn" - bà Nguyễn Thị Ngọc Linh - cử tri TP. Hồ Chí Minh nói.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!