Kỳ họp diễn ra trong một thời điểm đặc biệt, bởi cả nước vừa bước qua 4 tháng chống chọi với đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ để trở lại trạng thái "bình thường mới". Do đó, kỳ vọng các giải pháp phục hồi kinh tế xã hội để trở lại nhịp sống bình thường là điều được cử tri, người dân và doanh nghiệp đặt nhiều vào kỳ họp lần này.
Tờ Đại biểu nhân dân nhấn mạnh, kỳ họp thứ 2 được cử tri hết sức mong đợi. Ngoài công tác lập pháp như thường lệ, Quốc hội sẽ thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, công tác phòng chống dịch, các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế và cơ cấu lại nền kinh tế... Đây đều là những vấn đề nóng bỏng, người dân quan tâm và kỳ vọng Quốc hội sẽ có những quyết sách trúng và đúng để góp phần đưa đất nước vào quỹ đạo phục hồi, không bị lỡ nhịp với kinh tế thế giới
Tờ Người lao động khẳng định, đại dịch COVID-19 đi qua đã để lại thiệt hại lớn cho kinh tế Việt Nam, trong đó kinh tế thành phố Hồ Chí Minh thiệt hại chưa từng có. Trước bối cảnh này, nhiều ý kiến mong muốn tại kỳ họp Quốc hội, Quốc hội sẽ thảo luận, đưa ra những quyết sách đặc biệt giải quyết tình huống đặc biệt này để giúp phục hồi nhanh kinh tế thành phố Hồ Chí Minh - đầu tàu kinh tế của cả nước - để trên cơ sở đó phục hồi kinh tế đất nước.
Theo dự kiến, Quốc hội chỉ có 17 ngày làm việc, nhưng khối lượng công việc là rất lớn. Ngoài 7 dự án luật, còn có 5 nghị quyết cùng hàng chục vấn đề kinh tế, xã hội, ngân sách và các vấn đề quan trọng khác.
Để chuẩn bị cho kỳ họp này, cả Quốc hội và Chính phủ đã phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng nhưng cũng rất khẩn trương. Rút ngắn thời gian nhưng không giảm đi chất lượng. Tờ Đầu tư bình luận, nhiều nội dung được chuẩn bị từ sớm, từ xa. Việc chuẩn bị cho kỳ họp chuyên đề chưa có tiền lệ cũng đã được tính đến.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trực tiếp yêu cầu các cơ quan của Quốc hội phải vào cuộc từ sớm, từ xa. Không chờ có hồ sơ đầy đủ của các dự án luật, các lãnh đạo Quốc hội đã chủ động làm việc với các cơ quan thẩm tra để xem xét những vấn đề lớn cần sửa đổi, những chính sách mới nào sẽ được đề xuất. Chủ trì tọa đàm, lắng nghe ý kiến chuyên gia về các vấn đề đang đặt ra cả trước mắt và lâu dài trong chống dịch, an dân, phục hồi kinh tế. Quốc hội họp cả trong ngày Chủ nhật, hoàn thành và ký văn bản ngay trong đêm. Quốc hội đã cho thấy tinh thần đồng hành cùng Chính phủ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Thực ra thì từ trước kỳ họp, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng hành sát sao với Chính phủ, có những việc Chính phủ chưa trình nhưng xét thấy tính chất cấp bách Quốc hội đã chủ động đề xuất và quyết định ngay như Nghị quyết số 30 trao thêm thẩm quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ trong phòng, chống dịch COVID-19. Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết về một số giải pháp để trên cơ sở pháp lý này Chính phủ có thể triển khai ngay các biện pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19.
Báo Đại biểu nhân dân cho rằng, các chính sách được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành tại Nghị quyết này là cố gắng lớn của Nhà nước trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn. Cộng đồng doanh nghiệp, các hộ, cá nhân kinh doanh và người dân tin tưởng vào hiệu ứng tích cực, thiết thực, có tác dụng ngay của Nghị quyết, cùng với hiệu lực, hiệu quả của hệ thống các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động và doanh nghiệp đã ban hành trước đó, nền kinh tế sẽ dần phục hồi, đem lại sinh khí mới.
Cùng với nỗ lực của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì Chính phủ cũng đã đưa ra những thông điệp mạnh mẽ về phòng chống dịch tại kỳ họp lần này. Báo cáo về tình hình kinh tế xã hội trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân, cùng với tập trung tận dụng tốt cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế xã hội với các giải pháp tổng thể kích thích nền kinh tế, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, không để suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn. Chính phủ cũng đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 là từ 6%-6,5%.
Đó là những mục tiêu không hề dễ dàng khi mà diễn biến của dịch bệnh, rồi kinh tế thế giới vẫn còn ở phía trước, diễn biến khó lường, chưa thể đoán định. Thế nhưng, với tinh thần đồng hành của Quốc hội, quyết tâm của Chính phủ, và sự tích cực từ các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp, những mục tiêu đó sẽ đạt được.
Theo tờ Tuổi trẻ, kỳ họp sẽ giúp tái định hướng một cách rõ ràng, mạch lạc mô hình phòng chống dịch, trong đó, các phiên thảo luận, tranh luận của Quốc hội sẽ đóng một vai trò hết sức quan trọng. Cho rằng, an sinh xã hội là nội dung quan trọng cần được kỳ họp đặc biệt quan tâm, tờ báo nhận định, Quốc hội sẽ phải có góc nhìn thấu đáo hơn về vấn đề an sinh xã hội, nhờ đó có thể xem xét, điều chỉnh các chính sách và các giải pháp được Chính phủ đề ra một cách sát thực tế hơn.
Báo Đại đoàn kết cho rằng cử tri và Nhân dân còn mong đợi ở các vị đại biểu của dân bằng trí tuệ của mỗi người, đóng góp những ý kiến xác đáng để tạo ra quyết sách đưa đất nước nhanh chóng vượt qua đại dịch, vượt lên khó khăn. Chống dịch cũng là vì Dân, khôi phục, phát triển sản xuất cũng là vì Dân. Kỳ vọng kỳ họp thứ 2 của Quốc hội sẽ đưa ra những quyết sách vì Dân. Đó cũng chính là một trong những điểm mới quan trọng của Văn kiện Đại hội 13 của Đảng: "Dân thụ hưởng".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!