Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đồng chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh: Việc triển khai thành công Đề án này là bước cụ thể hóa đường lối của Đảng, Nhà nước về đảm bảo quyền con người, bác bỏ những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về quá trình thực thi quyền con người ở Việt Nam.
Đồng chí cũng lưu ý, trong quá trình triển khai đề án, cần phân biệt rõ việc đào tạo, bồi dưỡng về quyền con người trong các trường chuyên ngành về luật với các cơ sở giáo dục phổ thông cũng như các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, giáo dục quyền con người phải là một việc làm thường xuyên, có cập nhật, bổ sung kiến thức. Trong bối cảnh mới, nhận thức mới, tư duy lý luận về vấn đề quyền con người cũng ngày càng phải được hoàn thiện, nâng cao. Trên cơ sở đó, việc xây dựng chương trình đào tạo, nội dung lồng ghép cần phải được nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng gắn với thực hành, công việc cụ thể của từng nhóm đối tượng giáo dục.
Lưu ý còn 2 năm nữa để thực hiện Đề án, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các cơ quan liên quan cần có sự phối hợp công tác chặt chẽ, có kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện nhiệm vụ được giao; kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vướng mắc, phát sinh trong triển khai.
Đánh giá cao sự phối hợp, nỗ lực triển khai nhiệm vụ được giao của các cơ quan liên quan tham gia Ban Điều hành Đề án, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, việc triển khai Đề án là bước quan trọng, cần thiết để hệ thống hóa kiến thức phổ quát về quyền con người mà Việt Nam đã cam kết với quốc tế, góp phần nội luật hóa các quyền con người của Việt Nam.
Phó Thủ tướng cho rằng, việc đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân cần hướng tới hình thành văn hóa tôn trọng pháp luật cũng như giúp mỗi người dân Việt Nam nhận thức được quyền và trách nhiệm của bản thân đối với đất nước, xã hội; đồng thời làm rõ bản chất chế độ chính trị và những chủ trương, chính sách bảo vệ quyền con người của của Việt Nam với quốc tế.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan chức năng tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật việc thực hiện quyền con người được nêu trong các hiệp định, điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia; nghiên cứu xây dựng cuốn cẩm nang về quyền con người để các nhà quản lý, làm chính sách tra cứu, đối chiếu trong xây dựng, thực thi chính sách.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!