Giữ hay bỏ thanh tra cấp huyện?

Thuỳ An-Thứ năm, ngày 26/05/2022 10:19 GMT+7

VTV.vn - Mô hình tổ chức Thanh tra huyện trong dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) còn 2 loại ý kiến khác nhau là tán thành giữ nguyên và không tổ chức cơ quan thanh tra cấp huyện.

3 cấp cơ quan thanh tra 

Sáng nay (26/5), tiếp tục chương trình Kỳ họp 3 Quốc hội khoá XV, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Liên quan tới tổ chức, chức năng và nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, dự thảo Luật kế thừa các quy định hiện hành về tổ chức các cơ quan thanh tra nhà nước và thiết kế mô hình các cơ quan thanh tra cho phù hợp với thực tiễn quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương. Các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính bao gồm Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện.

Giữ hay bỏ thanh tra cấp huyện? - Ảnh 1.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trình bày Tờ trình dự án Luật Thanh tra (sửa đổi)

Ông Đoàn Hồng Phong cho biết, khi đề xuất chính sách xây dựng Luật Thanh tra (sửa đổi), cơ quan chủ trì soạn thảo đã đề xuất không tổ chức Thanh tra huyện.

Tuy nhiên, quá trình xây dựng, hoàn thiện dự án Luật nhiều ý kiến cho rằng, huyện là một cấp chính quyền quan trọng, cơ quan thanh tra hiện nay không chỉ thực hiện chức năng thanh tra mà còn có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. 

Ngoài ra, nếu không tổ chức Thanh tra huyện thì Thanh tra tỉnh cũng phải tăng thêm biên chế và tổ chức thêm các phòng chuyên môn phụ trách thanh tra địa bàn các huyện khi có yêu cầu, nên thực tế việc tinh giản bộ máy cũng không đáng kể. 

"Vì vậy, dự thảo Luật đã tiếp thu các ý kiến và giữ nguyên quy định về Thanh tra huyện trong dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi). Để khắc phục những bất cập hiện nay trong tổ chức và hoạt động của Thanh tra huyện đã được chỉ ra trong Báo cáo tổng kết thi hành Luật Thanh tra, cần tăng cường về tổ chức, biên chế cho các cơ quan Thanh tra huyện nhằm đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ được giao”, tờ trình nêu.

Giữ hay bỏ?

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, dự thảo Luật kế thừa quy định về hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính như Luật Thanh tra hiện hành, gồm: Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh và Thanh tra huyện. 

Ủy ban Pháp luật cơ bản nhất trí với việc tổ chức các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính gồm Thanh tra Chính phủ và Thanh tra tỉnh; đồng thời, đề nghị bổ sung quy định về việc thành lập cơ quan thanh tra tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Về mô hình tổ chức Thanh tra huyện, quá trình thảo luận còn có 2 loại ý kiến:

Loại ý kiến thứ nhất tán thành tiếp tục duy trì mô hình tổ chức Thanh tra huyện, vì:

(1) Tổ chức thanh tra hành chính ở cấp huyện đã có quá trình hình thành và phát triển ổn định, lâu dài;

(2) Việc duy trì, củng cố cơ quan thanh tra hành chính ở cấp huyện là cần thiết, bảo đảm tuân thủ chặt chẽ nguyên lý "ở đâu có quản lý thì ở đó có thanh tra";

(3) Bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất về tổ chức với cơ quan thanh tra ở cấp tỉnh và trung ương;

(4) Bảo đảm phù hợp và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao cho Thanh tra huyện trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Phòng, chống tham nhũng;

(5) Những bất cập trong tổ chức và hoạt động của Thanh tra huyện hiện nay không phải do thiết chế này không còn phù hợp mà do chưa được quan tâm bố trí đủ nguồn lực để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; do đó, cần có giải pháp hiệu quả khắc phục hạn chế này.

Giữ hay bỏ thanh tra cấp huyện? - Ảnh 3.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng

Loại ý kiến thứ hai cho rằng cần nghiên cứu, có giải pháp đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của các cơ quan thanh tra, theo đó không tổ chức cơ quan thanh tra cấp huyện, vì:

(1) Báo cáo tổng kết thi hành Luật Thanh tra đã chỉ rõ, ở cấp huyện không có nhiều nhu cầu thanh tra; biên chế rất ít nên không phát huy được hiệu quả nên khi đề nghị đưa dự án Luật vào Chương trình, Chính phủ đã đề xuất không duy trì Thanh tra huyện;

(2) Khắc phục tình trạng "dàn đều" nhưng biên chế quá mỏng của các cơ quan thanh tra huyện, bổ sung nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cho Thanh tra tỉnh;

(3) Vẫn bảo đảm nguyên lý "ở đâu có quản lý thì ở đó có thanh tra" vì nhiệm vụ của cơ quan Thanh tra huyện sẽ được chuyển cho Thanh tra tỉnh, các cơ quan chuyên môn khác thuộc Ủy ban nhân dân huyện;

(4) Thuận lợi cho việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ thanh tra ở địa phương do quản lý tập trung;

(5) Giảm số lượng lớn đầu mối tổ chức thanh tra huyện, phù hợp với chủ trương của Đảng về tinh gọn tổ chức bộ máy.

Ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành với loại ý kiến thứ nhất.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước