Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp. Thống nhất trình Quốc hội xem xét quyết định chủ trương điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý trong quá trình lập, điều chỉnh cần đánh giá kỹ lưỡng việc sử dụng đất xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ các thiết chế văn hóa, y tế, giáo dục.
"Tôi đề nghị cần đánh giá sâu hơn, chỉ ra các nguyên nhân chủ quan dẫn đến việc thực hiện các chỉ tiêu sử dụng đất đạt tỷ lệ thấp so với chỉ tiêu đến năm 2030. Trong đó đất xây dựng cơ sở giáo dục và đào tạo đạt 3,37%, xây dựng cơ sở y tế đạt 5,5%, xây dựng cơ sở thể dục, thể thao chỉ đạt 4,86%", ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề xuất.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: quochoi.vn)
Liên quan đến giữ quỹ đất trồng lúa, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhắc lại đây là yêu cầu bắt buộc nhằm đảm bảo an ninh lương thực.
"Vì sao chúng ta giữ diện tích đất trồng lúa, mặc dù trồng lúa có thể nói lời không nhiều, nhưng vì an ninh lương thực quốc gia, an ninh lương thực quốc gia góp phần cho an ninh lương thực quốc tế. Tình hình thế giới có nhiều biến động, ngay dịch COVID-19, vấn đề an ninh lương thực đặt lên hàng đầu, do đó bất cứ giá nào trong quy hoạch sử dụng đất chúng ta cũng phải tính đến vấn đề an ninh lương thực, nguồn nước, tỷ lệ che phủ rừng", Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
"Những nội dung này tôi hoàn toàn đồng tình, tức là chúng ta phải có chủ trương để xem xét lại quan điểm thế nào trong vấn đề an ninh lương thực và sử dụng như thế nào hợp lý 3,5 triệu đất lúa cũng như là 15,6 triệu đất rừng", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhận định.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng đại diện các bộ, ngành tại phiên họp. (Ảnh: quochoi.vn)
Cho ý kiến vào các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 luật gồm: Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật gồm: Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát để đảm bảo các trình Quốc hội sửa đổi phải là những vấn đề thực sự cần thiết, cấp bách, có khả năng thực hiện ngay để giải quyết các khó khăn, ách tắc, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút tối đa nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhấn mạnh yêu cầu không được hợp thức hóa các sai phạm trong quá trình sửa luật.
Trong chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét quyết định việc bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2024 của Văn phòng Trung ương Đảng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!