Dấu mốc về đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước
Việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là nhiệm vụ trọng tâm của quá trình cải cách nền hành chính nhà nước ở Việt Nam được triển khai suốt hơn 20 năm qua.
Sau các nghị quyết của Quốc hội, tháng 3 năm nay, Chính phủ ban hành các Nghị định về mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Ngày 1/7 là dấu mốc quan trọng khi tại cả 3 thành phố đầu tàu đều bắt đầu triển khai nghị quyết này. Dù đều là chính quyền đô thị, song ba mô hình ở ba thành phố lại có những điểm khác nhau.
- Hà Nội bỏ HĐND phường, xây dựng mô hình chính quyền hai cấp đô thị là thành phố và quận. Còn tại Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh bỏ cả HĐND ở phường và quận, xây dựng chính quyền địa phương một cấp là thành phố.
- Về lộ trình thực hiện: Hà Nội, Đà Nẵng thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị từ ngày 1/7/2021 cho đến khi Quốc hội quyết định chấm dứt thực hiện; chậm nhất là quý IV/2023 sẽ sơ kết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Còn tại TP Hồ Chí Minh là triển khai chính thức, không thí điểm.
- Về kinh nghiệm: Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh đã có 7 năm thí điểm không tổ chức HĐND tại quận, huyện, phường giai đoạn 2009-2016, còn Hà Nội lần đầu tiên thực hiện, chưa có thời gian thí điểm trước đây.
Nói về ý nghĩa của việc triển khai chính quyền đô thị tại 3 thành phố lớn từ ngày 1/7, TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết trong chương trình Vấn đề hôm nay: "Đây là ngày rất quan trọng, đánh dấu điểm mốc về đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đây là điểm nhấn đánh dấu sự trưởng thành cả về kinh tế, và quản lý đô thị của chúng ta".
"Những người làm công tác lập pháp và quản trị nhà nước đã có bước tiến vượt qua chính mình. Trước chúng ta máy móc rằng mô hình quản lý nhà nước phải thống nhất từ trên xuống dưới, tỉnh nào cũng như tỉnh nào cũng phải từng ấy sở, quận, huyện. Chúng ta phải đặt mô hình quản lý nhà nước ở các địa phương phù hợp với tình hình đặc điểm của địa phương ấy, đặc biệt phải phụ thuộc vào trình độ, năng lực của công dân trên địa bàn ấy thì chúng ta mới hài hòa được" - ông Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh.
Mô hình thế nào không quan trọng bằng có hiệu quả hay không?
Có thể nói đây là mô hình được kỳ vọng sẽ tạo nên sự thay đổi mới nhằm đưa 3 thành phố lớn phát triển nhanh, bền vững trở thành đô thị hạt nhân, dẫn dắt cho vùng kinh tế động lực 3 miền Bắc, Trung, Nam.
Tại Đà Nẵng, để chủ trương mới có hiệu lực ngay từ 1/7, cùng với việc tổ chức nhiều cuộc hội thảo, lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, thành phố còn chuẩn bị các điều kiện để thực thi nhiệm vụ mới, bám sát các quy định tại Nghị định số 34 của Chính phủ, các hướng dẫn của Bộ Nội vụ. Theo đó, việc cơ cấu sắp xếp lại hệ thống nhân sự được xem là khâu quan trọng nhất nhằm đảm bảo bộ máy vận hành đồng bộ với cơ chế giám sát chặt chẽ.
Trách nhiệm, quyền hạn của Chủ tịch UBND phường được quy định chi tiết
Để tăng tính tự quyết, tự chịu trách nhiệm, Nghị quyết 119 của Quốc hội cũng quy định rõ quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp về việc quyết định thành lập các bộ phận giúp việc, số lượng công chức, cũng như việc hạch toán ngân sách. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Hội đồng nhân dân sẽ thay đổi phương thức hoạt động mới, nhất là trong hoạt động giám sát và tiến hành chất vấn.
Với người dân, mô hình thế nào không quan trọng, cái chính là mô hình ấy có hiệu quả hay không, có giúp mọi việc "chạy" tốt, thủ tục hành chính nhanh gọn, việc dân giải quyết rốt ráo hay không.
Tại 12 quận và thị xã Sơn Tây của Hà Nội, từ ngày 1/7, người dân khi đến phường làm các thủ tục hành chính đơn giản như chứng thực chữ ký, sơ yếu lý lịch… sẽ không mất thời gian chờ đợi lãnh đạo Ủy ban nhân dân phường ký, xác nhận. Thay vào đó, công chức tư pháp hộ tịch sẽ được ủy quyền làm nhiệm vụ này.
Từ ngày 1/7, người dân khi đến phường làm các thủ tục hành chính đơn giản không mất thời gian chờ đợi lãnh đạo Ủy ban nhân dân phường ký, xác nhận
Người dân đến phường chủ yếu là để xin xác nhận các thủ tục hành chính. Khi áp dụng quy định mới này người dân được phục vụ tốt hơn. Đây chỉ là một trong số rất nhiều điểm mới khi Hà Nội thực hiện thí điểm chính quyền đô thị.
TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng vẫn cần phải cải cách hơn nữa trong thủ tục hành chính để hạn chế tối đa giấy tờ mà người dân phải đi chứng thực. Do đó, cần phải có hệ thống dữ liệu dùng chung để bớt thủ tục giấy tờ khi nhu cầu người dân ngày càng cao.
Ông Nguyễn Đức Kiên cũng dự báo trong 6 tháng đầu, mô hình này sẽ gặp khó khăn: "Công chức của chúng ta vẫn chưa chuyển đổi, đặc biệt là trong 3 tháng quý IV về xây dựng ngân sách hoạt động của phường. Nếu mọi người vẫn ủng hộ quá trình cải cách, những tồn tại ấy sẽ khắc phục được với công nghệ "đỡ sau lưng" để tiếp tục phát triển".
Đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị ở nước ta là một nhu cầu bức thiết. Tuy nhiên sau gần 25 năm đặt vấn đề với 4 Nghị quyết Đại hội Đảng, 4 Nghị quyết Hội nghị Trung ương, 2 lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, 2 Luật và 1 Nghị quyết Quốc hội, hiệu quả vẫn chưa như mong muốn.
Về cơ bản mô hình tổ chức, hoạt động của chính quyền ở đô thị vẫn giống như ở nông thôn cho đến năm 2019 khi ra đời các Nghị quyết mới về 3 thành phố.
Chúng ta đang ở một cột mốc mới, khởi đầu một chặng đường mới, kỳ vọng diện mạo chính quyền đô thị thực sự sẽ hình thành. Sẽ còn nhiều thách thức, nhiều tồn đọng chưa thể giải quyết một sớm một chiều, nhưng chúng ta hoàn toàn có quyền tin tưởng và hy vọng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!