Hội nghị Ngoại giao 29 bàn biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại

Ngọc Hà, Quang Anh, Quang Hiệu (Ban Thời sự)-Thứ bảy, ngày 20/08/2016 20:32 GMT+7

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Ảnh: Getty Images

VTV.vn - Chỉ 5 năm qua, một nửa số đối tác chiến lược hiện có của Việt Nam đã được thiết lập, đồng thời, ngoại giao Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò tại các diễn đàn đa phương

Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc - đây là một trong hai nhiệm vụ quan trọng nhất của ngoại giao Việt Nam lần đầu tiên được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII. Các nhiệm vụ này sẽ chính thức được quán triệt và triển khai từ 21/8 tại Hội nghị ngoại giao lần thứ 29. Đây là một sự kiện quan trọng nhất của ngoại giao Việt Nam diễn ra 3 năm lần.

Ngoại giao Việt Nam trong 3 năm qua đứng trước những thử thách chưa từng thấy kể từ thời kỳ đổi mới với căng thẳng trên Biển Đông, sự can dự của các nước lớn vào khu vực. Tuy nhiên, chính trong thử thách ấy với phương châm dĩ bất biến ứng vạn biến và đường lối đối ngoại luôn đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết nên ngoại giao đã góp phần quan trọng vào việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam không chỉ vừa giữ mối quan hệ với Trung Quốc mà còn nâng quan hệ lên đối tác chiến lược hay chiến lược toàn diện và đối tác toàn diện với hầu hết các nước lớn như Nga, Mỹ, Nhật Bản, Pháp và Australia. Chỉ 5 năm qua, một nửa số đối tác chiến lược hiện có của Việt Nam đã được thiết lập. Bên cạnh đó, ngoại giao Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò tại các diễn đàn đa phương và nhất là trong Cộng đồng ASEAN.

“Trong 3 năm làm điều phối viên giữa EU và ASEAN, Việt Nam đã giúp cho EU xích lại gần với ASEAN hơn. Việt Nam đã có những sáng kiến tăng cường quan hệ hai bên. Chúng tôi đã thảo luận với các đối tác ASEAN trong việc xây dựng quan hệ đối tác chiến lược giữa ASEAN và EU. Điều đó một lần nữa chứng tỏ rằng ngoại giao Việt Nam đã làm việc thực sự hiệu quả”, ông Bruno Angelet - Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam nhận định.

Từ chỗ chỉ với mục tiêu khiêm tốn là "tham gia tích cực", mấy năm gần đây, ngoại giao Việt Nam đã đưa đất nước lên một vị thế mới cùng với một mục tiêu tham vọng hơn, đó là "chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi chung" trên đối ngoại đa phương - mặt trận quan trọng hàng đầu trong việc tập hợp lực lượng, huy động sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế với Việt Nam.

“Việt Nam đã trở thành một phần không thể thiếu của thế giới hiện đại và điều này đã chứng tỏ qua những thành quả tuyệt vời của Việt Nam trong vấn đề an ninh quốc gia và đối ngoại. Việt Nam đã thể hiện mong muốn hội nhập sâu rộng và thường xuyên cả trong nước và ngoài nước, đồng thời có những hoạt động đóng góp cho các tổ chức quốc tế, mở rộng hợp tác với cả Mỹ và Nga và đóng góp vào việc gìn giữ hòa bình quốc tế”, ông Hugh Douglas Borrowman - Nguyên Đại sứ Autralia tại Việt Nam khẳng định.

Năm 2014 đặt ra cho ngoại giao Việt Nam thách thức to lớn trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Lần đầu tiên trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đã đề ra hai nhiệm vụ quan trọng nhất cho ngoại giao Việt Nam đó là "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đồng thời mở rộng và đưa vào chiều sâu các quan hệ đối ngoại”. Đây chính là các nhiệm vụ cốt lõi của ngoại giao Việt Nam trong 5 năm tới.

“Đại hội Đảng đã nêu rõ kiên trì, kiên quyết bảo vệ chủ quyền. Điều này cần hiểu rằng kiên trì kiên quyết bảo vệ chủ quyền bằng các biện pháp hòa bình, giải quyết các tranh chấp trên cơ sở thương lượng, đàm phán. Những vấn đề gì liên quan đến tranh chấp giữa hai nước thì hai nước bàn bạc. Tranh chấp giữa nhiều nước thì nhiều bên cùng tham gia giải quyết. Nhưng tôi xin nói lại rằng, chúng ta bảo vệ chủ quyền bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở phải tôn trọng luật pháp quốc tế và yêu cầu các nước cũng phải tôn trọng luật pháp quốc tế”, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu.

Xây dựng và duy trì được môi trường hoà bình, ổn định của đất nước, bảo vệ được vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đồng thời tiếp tục đổi mới tư duy ngoại giao phục vụ kinh tế và ngoại giao kiến tạo phát triển là những mục tiêu rất quan trọng sẽ được thảo luận từ ngày 21/8 tại Hội nghị ngoại giao lần thứ 29.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đạt được nhiều văn kiện quan trọng Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đạt được nhiều văn kiện quan trọng

VTV.vn - Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã không chỉ thông qua Tuyên bố chung của Hội nghị, mà còn đạt được nhiều văn kiện quan trọng khác.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước