Huyền thoại "Bạch Đằng giang trên sông Hiếu"

Anh Ngọc, Đăng Dũng, Trọng Hiếu-Thứ năm, ngày 27/04/2023 21:55 GMT+7

VTV.vn - Trong khí thế cao trào của chiến dịch Mậu Thân, để chia lửa cho chiến trường Khe Sanh, một trận đánh huyền thoại được mệnh danh là "Bạch Đằng Giang trên sông Hiếu" đã xuất hiện.

Trong những ngày này 55 năm trước, toàn miền Nam đang sục sôi trong ngọn lửa đấu tranh cách mạng. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã giáng một đòn chí mạng vào mưu đồ xâm lược và sự tự tin về sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ và đồng minh.

Huyền thoại Bạch Đằng giang trên sông Hiếu - Ảnh 1.

Tại mặt trận Quảng Trị, trong khí thế cao trào của chiến dịch Mậu Thân, cũng là để chia lửa cho chiến trường Khe Sanh, đã xuất hiện một trận đánh huyền thoại được mệnh danh là "Bạch Đằng Giang trên sông Hiếu".

Ở đó có sự kết hợp tài tình giữa quân và dân, giữa vũ khí thô sơ và hiện đại, giữa truyền thống của cha ông và tinh thần mưu trí sáng tạo ngày nay.

Bước vào năm 1968, quân đội ta mở chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, tấn công và vây hãm một trong những cụm cứ điểm quan trọng nhất của địch.

Huyền thoại Bạch Đằng giang trên sông Hiếu - Ảnh 2.

Để chi viện cho Khe Sanh và duy trì lực lượng quân sự trên toàn mặt trận phía Bắc đường 9, người Mỹ dựa hoàn toàn vào căn cứ hậu cần chiến lược đặt tại Đông Hà. Để đưa hàng hóa từ cảng Cửa Việt tới căn cứ này, tuyến đường sông được người Mỹ sử dụng chủ yếu, trong đó ngã ba tiếp giáp giữa sông Hiếu và sông Thạch Hãn là nơi hàng ngày tàu Mỹ bắt buộc phải đi qua.

Trên tuyến đường thủy này, đặc công nước của ta đã dùng mìn và thủy lôi gây cho địch nhiều thiệt hại, nhưng hoạt động vận tải trên sông của Mỹ vẫn không bị đứt gãy.

Huyền thoại Bạch Đằng giang trên sông Hiếu - Ảnh 3.

Nhiệm vụ chặt tre được phổ biến tới khắp các thôn làng hai bên bờ sông. Hơn 4.000 cây tre dài từ 4-5m đã được huy động một cách gấp rút và bí mật.

Từ chiều đến đêm 4/3/1968, 40 du kích và đặc công cùng bà con vạn đò lợi dụng thủy triều xuống để cắm cọc tre và đặt thủy lôi thành trận địa liên hoàn hàng trăm mét.

Huyền thoại Bạch Đằng giang trên sông Hiếu - Ảnh 4.

Báo cáo mật tháng 3/1968 của Hải quân Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, ngày 5/3, lực lượng địch gồm 12 tàu và 2 trực thăng vũ trang; mang theo nhiều tấn hàng hóa thiết yếu; khi tới cửa sông Hiếu, chiếc đi đầu vướng thế trận cọc tre khiến nhóm tàu bị dồn lại, không thể tiến cũng không thể lui.

Huyền thoại Bạch Đằng giang trên sông Hiếu - Ảnh 5.

Trận đánh này không chỉ làm Mỹ thiệt hại 32 chiếc tàu lớn nhỏ mà còn làm tuyến vận tải Cửa Việt - Đông Hà tắc nghẽn nhiều ngày, khiến thế sa lầy của Mỹ và đồng minh tại Khe Sanh trở nên trầm trọng hơn do thiếu vũ khí đạn dược, từng bước dẫn tới sự sụp đổ của cụm cứ điểm này.

Ngày nay, tại Bảo tàng Quân khu 4 vẫn còn lưu giữ hai cây cọc tre từ thế trận 55 năm trước trên sông Hiếu. Đó là biểu tượng cho sự kiên cường và mưu trí của quân và dân Quảng Trị, đóng góp vào thế tiến công của Chiến dịch Mậu Thân 1968 trên toàn miền Nam Việt Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước