Nhiều khó khăn, thách thức đối với các trí thức, nhà khoa học
Được đầu tư hiện đại, nhưng không ít kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học không thể chuyển giao vì những vướng mắc trong định giá. Để giải quyết, họ thậm chí phải tự mở xưởng để sản xuất, cho dù đấy không phải là việc chuyên môn, thế mạnh.
Đề tài nghiên cứu sản xuất chất độn - một nguyên liệu dùng trong Sơn chống cháy mấy năm nay không thể chuyển giao được vì khâu định giá sản phẩm. Cuối cùng, các nhà khoa học phải lập xưởng để tự sản xuất rồi bán lại cho các doanh nghiệp sản xuất sơn - một công việc vốn không phải chuyên môn của họ
Là những người cung cấp luận cứ khoa học cho Đảng, Nhà nước trong hoạch định đường lối, chiến lược, tuy nhiên hoạt động của các trí thức, nhà khoa học này cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Tại Trung tâm phát triển công nghệ cao, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, thiết bị nhật ký điện tử và thiết bị giám sát hành trình tàu cá là kết quả nghiên cứu, đáp ứng đầy đủ yêu cầu quản lý của ngành thủy sản, nhưng vẫn không thể chuyển giao để ứng dụng vào thực tiễn.
Thiết bị giám sát hành trình tàu cá là kết quả nghiên cứu, đáp ứng đầy đủ yêu cầu quản lý của ngành thủy sản, nhưng vẫn không thể chuyển giao để ứng dụng vào thực tiễn
Một sản phẩm khoa học công nghệ muốn chuyển giao thì phải định giá được. Nhưng đây lại là việc phức tạp chưa có cách giải quyết thấu đáo.
Nếu định giá quá cao, doanh nghiệp sẽ không mua… Còn định giá thấp mà sản phẩm sau đó mang lại hiệu quả kinh tế cao, thì người làm khoa học có thể bị quy trách nhiệm làm thất thoát tài sản nhà nước
Sự bất cập này vốn diễn ra nhiều năm nay nhưng đến giờ vẫn chưa được tháo gỡ.
Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam là nơi tập trung các nhà khoa học xã hội đầu ngành, với 1.600 người, trong đó nhiều cán bộ có học hàm giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ .
Kết quả nghiên cứu của các trí thức, nhà khoa học nơi đây là các cấp luận cứ khoa học giúp cho Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối, chiến lược phát triển đất nước. Tuy nhiên, những năm gần đây, hoạt động này đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Trong nghiên cứu khoa học, yếu tố quan trọng là các nhà khoa học nhưng ở cơ quan này lại đang thiếu.
Cùng với đó nhà những rào cản trong hoạt động nghiên cứu khoa học như bố trí nguồn lực còn rất hạn hẹp, các thủ tục hành chính trong khoa học còn rườm rà, thậm chí lo giải quyết thủ tục hành chính còn mất nhiều thời gian hơn là dành cho việc tiến hành các hoạt động nghiên cứu; Bên cạnh đó, chức năng phản biện của các nhà khoa học chưa thực sự được phát huy.
Một môi trường làm việc dân chủ, được tự do học thuật hơn nữa là điều mà các nhà khoa học mong muốn, cùng với đó, cần phải có cơ chế hữu hiệu hơn để các nhà khoa học được phát biểu ý kiến, nhất là những ý kiến mang tính phản biện, trái chiều.
Rất cần có cơ chế, chính sách đột phá về khoa học công nghệ
Triển khai, Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước 15 năm qua đã đạt được nhiều kết quả.
Đội ngũ trí thức Việt Nam phát triển nhanh về số lượng, ngày càng nâng cao về chất lượng, chủ động, tích cực tham gia nghiên cứu, ứng dụng, sáng tạo khoa học; là lực lượng đi đầu trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Môi trường điều kiện cơ sở hạ tầng, vật chất và kỹ thuật cho hoạt động của trí thức ngày càng hoàn thiện.
Cả nước hiện có 3 Khu công nghệ cao; 6 công viên phần mềm; 1 Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành, Tổ hợp không gian khoa học; Bảo tàng Công nghệ vũ trụ Việt Nam; Bảo tàng khoa học; có 19 cơ sở giáo dục đại học được chọn xây dựng thành đại học trọng điểm quốc gia; và 12 trường đại học, học viện theo các lĩnh vực và ngành trọng điểm quốc gia; các Trại sáng tác dành cho văn-nghệ sỹ được thành lập.
Mới đây, cho ý kiến về Đề án Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27, Bộ Chính trị đã thống nhất đánh giá, nhận thức chung trong Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội về vai trò, vị trí của trí thức ngày càng đầy đủ và toàn diện hơn.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận cuộc họp về Đề án "Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước". Ảnh: TTXVN
Tuy nhiên Bộ Chính trị cũng chỉ ra nhiều bất cập. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức còn chưa hoàn thiện đồng bộ. Nghị quyết chậm được thể chế hoá thành cơ chế, chính sách; thiếu cơ chế, chính sách đột phá, nhất là chính sách huy động các nguồn lực cho việc đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, đãi ngộ, tôn vinh trí thức trong và ngoài nước, đặc biệt là trí thức tinh hoa, nhà khoa học đầu ngành. Thực hành dân chủ, tôn trọng và phát huy tính chủ động trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo đối với đội ngũ trí thức còn hạn chế, bất cập. Những hạn chế này cần có giải pháp khắc phục.
Nghiên cứu khoa học, kỹ thuật vốn là công việc đặc thù, thậm chí rất đặc biệt, nhưng lâu nay, việc quản lý vẫn không khác nhiều so với những lĩnh vực khác. PGS.TS Chu Hoàng Hà cho rằng, để các trí thức, nhà khoa học đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của nước nhà, rất cần có cơ chế, chính sách đột phá, như cho phép cán bộ, nhà khoa học trong các đơn vị nghiên cứu thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp về khoa học công nghệ. Nếu là người phát minh, tạo ra công nghệ đứng đầu có thể kêu gọi các quỹ đầu tư, các doanh nghiệp đầu tư để phát triển.
Trong 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 27, đội ngũ trí thức Việt Nam tăng nhanh về số lượng, đã đóng góp trực tiếp vào việc nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Nhưng trước yêu cầu phát triển của đất nước, so sánh với các nước đã phát triển, các nước mới phát triển, số lượng trí thức, năng lực và trình độ của trí thức Việt Nam còn khoảng cách khá xa và vẫn cần các giải pháp đồng bộ hơn trong thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!