Khơi dậy ý chí và khát vọng để thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 28/03/2021 21:00 GMT+7

VTV.vn - Hôm nay (28/3) là ngày thứ 2 của Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Sáng 28/3, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, đã giới thiệu và quán triệt tới gần 1 triệu đảng viên trong cả nước về chuyên đề Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong 10 năm tới và Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến năm 2025.

Là Trưởng Tiểu ban Kinh tế - Xã hội của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, trực tiếp chỉ đạo xây dựng Chiến lược 10 năm và Phương hướng, nhiệm vụ, phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, việc nghiên cứu, xây dựng rất công phu. Tất cả đều theo nguyên tắc bám sát Cương lĩnh của Đảng, dựa trên thực tiễn và luận cứ khoa học, không phải sao chép lại, nên đã thể hiện được quan điểm lớn của Đảng, có kế thừa, bổ sung, có mục tiêu cao, có đột phá nhưng khả thi.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, dù bị tác động nặng nề bởi đại dịch COVID-19 nhưng Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng kinh tế trung bình 6%. Các chỉ số kinh tế vĩ mô vững chắc nhất kể từ sau Đổi mới. Kết quả này đã để lại kinh nghiệm quý giá, cho phép Đảng đặt ra những mục tiêu cao hơn như sau 5 năm, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 - 5.000 USD. Sau 10 năm, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Nói về những khó khăn của nhiệm kỳ qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khái quát: "Đầu kỳ là Formosa, cuối kỳ virus Corona kéo vào". Bên cạnh đó, trong 5 năm qua, cả nước đã phải gánh chịu 1.972 thiên tai. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng làm ra được 1.300 tỷ USD, giải quyết được 8 triệu việc làm. Việt Nam nằm trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất và 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới. Với quy mô của nền kinh tế 343 tỷ USD, sau 5 năm, Việt Nam tăng được 18 bậc, từ 55 lên 37 nền kinh tế lớn thế giới, vượt Malaysia và Philippines để đứng thứ 4 trong ASEAN, gần bằng Indonesia là 1 trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Thủ tướng khẳng định, đây là kết quả của nhiều thập kỷ nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, nhất là sau 35 năm Đổi mới và là kết quả tổng hòa từ xây dựng Đảng, kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh. Thành quả này là một trong những nền tảng quan trọng nhất cho đất nước phát triển trong thời gian tới.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nêu rõ, thách thức lớn nhất đối với Việt Nam trong trung và dài hạn vẫn là "tụt hậu" và "bẫy thu nhập trung bình", tức là nền kinh tế mất động lực tăng trưởng cao hơn hiện tại. Vì thế, áp lực lớn nhất là phải bảo đảm nền kinh tế tăng trưởng cao liên tục trên 7% mỗi năm. Cùng với thực hiện 3 đột phá chiến lược, nước ta phải tập trung vào chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số và phát triển đô thị. Cùng với cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch và hữu cơ, phải nâng tỷ trọng công nghiệp lên 40% tổng sản phẩm trong nước. Dịch vụ chiếm 50% và khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam đạt 50 triệu người sau 10 năm tới.

Thủ tướng nêu rõ, muốn thực hiện được những mục tiêu này, ý chí và khát vọng phát triển phải được khơi dậy và nuôi dưỡng từ mỗi người dân, doanh nghiệp, địa phương và mỗi Bộ, ngành để đạt được những mục tiêu lớn.

Sớm đưa nội dung Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống Sớm đưa nội dung Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống

VTV.vn - Đó là nhấn mạnh của Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, sáng 27/3.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước