Chiều 15/11, sau 21 ngày làm việc, Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp.
Quang cảnh lễ bế mạc Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Trọng Đức - TTXVN
Dấu ấn lập pháp và giám sát
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét thông qua 6 dự án luật, 13 nghị quyết, cho ý kiến với 8 dự án luật và quyết nghị nhiều nội dung quan trọng của đất nước. Đó chỉ là một vài con số thống kê đáng chú ý từ kỳ họp thứ 4 này.
Trong cả 3 nhiệm vụ lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng, tại kỳ họp này, Quốc hội đều để lại nhiều dấu ấn về đổi mới đáng chú ý.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Ở lĩnh vực lập pháp, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được đưa ra thảo luận lần đầu đã được các đại biểu cho ý kiến hết sức sâu sắc, trách nhiệm, sát thực tiễn.
Còn ở lĩnh vực giám sát, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn kéo dài 2 ngày rưỡi, có đến 149 đại biểu đặt câu hỏi, 22 ý kiến tranh luận. Không khí nghị trường đã ngày càng sát hơn với hơi thở cuộc sống, được cử tri đánh giá cao. Quốc hội dành cả ngày để thảo luận riêng dự án luật quan trọng này.
Còn với dự Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi), do còn nhiều ý kiến khác nhau, Quốc hội đã quyết định chưa thông qua tại kỳ họp này như dự kiến ban đầu để cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu tiếp tục hoàn thiện dự án luật này trước khi trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp tiếp theo. Mục tiêu chất lượng lập pháp tiếp tục được đề cao tại kỳ họp lần này.
Với hoạt động giám sát tối cao là chất vấn và trả lời chất vấn, sự thẳng thắn tranh luận của các đại biểu, trả lời của thành viên Chính phủ và điều hành của chủ tọa được đánh giá cao.
Trách nhiệm trong quyết định những vấn đề quan trọng
Vì là kỳ họp cuối năm nên nhiều vấn đề lớn của đất nước cũng đã được Quốc hội xem xét quyết định một cách trách nhiệm. Ví dụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước đã được các đại biểu thảo luận, xem xét một cách thấu đáo trước khi giao các chỉ tiêu cho Chính phủ, đặc biệt cần đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Chỉ tiêu tăng trưởng 6,5%, lạm phát bình quân 4,5%... Điều này cho thấy rằng, mục tiêu ổn định kinh tế vẫn được đặt lên trên hết, vì có ổn định thì sự phục hồi kinh tế mới hiệu quả và bền vững.
Việc xem xét tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức của Quốc hội là câu trả lời thỏa đáng nhất cho băn khoăn cử tri trước kỳ họp.
Khẩn trương triển khai các nghị quyết của Quốc hội
Những đánh giá của đại biểu, chuyên gia và cử tri cho thấy kỳ họp đã khép lại thành công. Tuy nhiên, những việc làm tới đây vẫn còn nhiều và cần nỗ lực hơn, để thành công này được trọn vẹn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ đạo: "Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cấp, các ngành khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các luật, nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua. Các vị đại biểu Quốc hội sớm tiếp xúc cử tri để báo cáo kết quả kỳ họp, giữ mối liên hệ chặt chẽ, lắng nghe, phản ánh trung thực ý kiến và nguyện vọng của cử tri, tích cực giám sát việc giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân. Các cấp, các ngành nỗ lực thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, gia đình chính sách, người lao động, người có hoàn cảnh khó khăn…"
Đảm bảo công tác triển khai được thực hiện sớm, quyết liệt, các lời hứa, cam kết tại kỳ họp được biến thành hành động cụ thể… Đây là nhiệm vụ cần tập trung, để các quyết sách của Quốc hội đến được với cử tri, nhân dân, góp phần lan tỏa thành công của một kỳ họp trách nhiệm, đổi mới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!