Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu. Ảnh: TTXVN
Dự sự kiện có Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; đại diện Chính phủ, Quốc hội, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, hội hữu nghị, đoàn ngoại giao và người dân hai nước.
Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam, ngài Andrew Goledzinowski khẳng định, thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam là một trong những chính sách đối ngoại đầu tiên của Chính phủ Australia do Thủ tướng Gough Whitlam được bầu năm 1972, điều hành. Quyết định này được công bố ngày 26/2/1973. Năm 1973 cũng là năm đánh dấu việc Australia mở Đại sứ quán đầu tiên tại Hà Nội, đóng vai trò là cầu nối hợp tác giữa Việt Nam và Australia.
Nhắc tới những điểm sáng cũng như dấu mốc nổi bật trong quan hệ hai nước, Đại sứ Andrew Goledzinowski cho biết, Australia là một trong những nhà đầu tư tiên phong của Việt Nam, ngay sau khi Việt Nam mở cửa nền kinh tế vào những năm 80 của thế kỷ XX với sự xuất hiện của Ngân hàng quốc tế ANZ, đơn vị đầu tiên đưa hệ thống ATM vào sử dụng tại Việt Nam; RMIT-trường đại học quốc tế đầu tiên có mặt tại Việt Nam; Telstra-đơn vị xây dựng đường cáp quang dưới biển đầu tiên và nhờ đó, các cuộc điện thoại quốc tế trực tiếp đầu tiên của Việt Nam đã được thực hiện.
Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski phát biểu. Ảnh: TTXVN
Với nền tảng đó, hai nước sẽ tiếp tục cam kết hợp tác kinh tế. Bên cạnh đó, giáo dục vẫn là nền tảng hợp tác song phương quan trọng của hai bên. Trong vòng 50 năm qua, đã có hơn 80 nghìn sinh viên Việt Nam học tập tại Australia. Các lĩnh vực khác như quốc phòng, an ninh, nông nghiệp, văn hóa, du lịch…luôn được thúc đẩy.
"Quan hệ song phương giữa hai nước chúng ta đã trải qua một hành trình tuyệt vời và hiện chúng ta đang hân hoan chào đón tương lai", Đại sứ Andrew Goledzinowski khẳng định.
Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn bày tỏ vui mừng trước sự kiện ý nghĩa của hai nước; nhấn mạnh, đây là minh chứng sống động cho sự phát triển toàn diện, sâu sắc của quan hệ Việt Nam-Australia trên tất cả các kênh và các cấp.
Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, Australia là một trong những nước đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam ngay sau khi Hiệp định Paris được ký kết năm 1973. Kể từ đó đến nay, quan hệ hai nước đã phát triển bền vững, nhanh chóng và ghi được nhiều dấu ấn quan trọng. Năm 2009, hai nước đã thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện nhân chuyến thăm Australia của nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và đúng 5 năm trước, năm 2018, hai nước đã thông qua Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược nhân chuyến thăm Australia của nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, mở ra một giai đoạn mới cho quan hệ song phương.
"Trải qua 5 thập kỷ phát triển với các cơ hội và thời cơ cũng như khó khăn và thách thức đan xen, trong sự biến động không ngừng của tình hình khu vực và quốc tế, ngày nay Việt Nam và Australia đã trở thành các đối tác tin cậy của nhau cả trong khuôn khổ song phương và đa phương", Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, hai nước cũng là các đối tác thương mại trong top 10 của nhau, với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 đạt 15,7 tỷ USD, tăng gấp đôi so với thời điểm trước khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược. Hỗ trợ ODA của Australia đã góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Tiếp theo thành công của cầu Mỹ Thuận năm 2000, cầu Cao Lãnh nối hai bờ sông Tiền ở Đồng bằng sông Cửu Long khánh thành năm 2018 đã trở thành biểu tượng đẹp, mang ý nghĩa sâu sắc trong quan hệ hai nước. Hợp tác trong các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, nông nghiệp, lao động, ứng phó biến đổi khí hậu… ngày càng được mở rộng, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên.
Trong những năm gần đây, giao lưu nhân dân giữa hai nước diễn ra vô cùng sôi động, góp phần gia tăng tình cảm nồng ấm, sự đan xen văn hóa và gắn bó, gắn kết giữa nhân dân hai nước. Australia đã trở thành địa điểm du học yêu thích của hơn 30 nghìn sinh viên, học sinh Việt Nam. Hàng ngàn suất học bổng được trao cho các cán bộ, doanh nghiệp, chuyên gia Việt Nam trong những năm qua đóng vai trò "cầu nối" quan trọng cho quan hệ Việt Nam-Australia. Sau đại dịch, số lượng khách du lịch gia tăng từ cả hai nước và Việt Nam vẫn giữ vững vị thế là 1 trong 10 điểm đến yêu thích của khách du lịch Australia. Tính riêng trong 2 tháng đầu năm 2023 đã có gần 45 nghìn lượt khách Australia đến thăm Việt Nam. Những nét văn hóa, ẩm thực đặc sắc của cả Việt Nam và Australia đang trở nên thân thuộc với người dân hai nước: Bánh mỳ, phở của Việt Nam; thịt bò, rượu vang của Australia.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn tin tưởng và hoàn toàn nhất trí với Đại sứ rằng việc tăng cường giao lưu nhân dân sẽ tạo tiền đề tốt đẹp để quan hệ Việt Nam và Australia phát triển vững mạnh trong tương lai. Bộ trưởng đánh giá, hai nước đang phối hợp chặt chẽ và chia sẻ cách tiếp cận chung đối với các thách thức an ninh, kinh tế cũng như nhiều vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Việt Nam nhận được sự ủng hộ tích cực của Australia trong ứng cử vào các tổ chức quốc tế, gần đây nhất là Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, cũng như việc Không quân Hoàng gia Australia tích cực hỗ trợ đưa các chiến sỹ quân đội Việt Nam tới châu Phi để tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình.
Bộ trưởng bày tỏ tin tưởng, với lợi thế của hai nền kinh tế mang tính bổ trợ cao, với tiềm năng to lớn của mỗi nước, tin cậy chính trị ngày càng gia tăng, quan hệ Việt Nam-Australia sẽ được nâng lên một tầm cao mới như đã được thỏa thuận trong chuyến thăm chính thức Australia của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì một khu vực châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, hợp tác và thịnh vượng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!