Ký ức không bao giờ quên của vị tướng về hưu về trận đánh cuối cùng 30/4/1975

Hải Minh-Chủ nhật, ngày 30/04/2023 18:56 GMT+7

VTV.vn - Sau 48 năm kể từ ngày lịch sử ấy, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ vẫn giữ mãi trong ký ức về trận đánh cuối cùng khi ông dẫn đoàn quân tiến vào Sài Gòn…

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ (74 tuổi, nguyên Tham mưu trưởng Quân khu 7) – tức "Tám Thổ" là người bộ đội giải phóng quân từng tham gia hàng trăm trận đánh ở khắp các chiến trường lớn của quân đội nhân dân Việt Nam qua nhiều thời kỳ - từ Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ, biên giới Tây Nam cho đến chiến trường Campuchia. Trong suốt cuộc đời binh nghiệp, người bộ đội cụ hồ này đã bị thương tới 11 lần. Ông nhiều lần được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ diệt xe cơ giới… và khi chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, ngày nay, những chứng nhân lịch sử còn minh tường như ông không nhiều…

Ký ức không bao giờ quên của vị tướng về hưu về trận đánh cuối cùng 30/4/1975 - Ảnh 1.

Dù đã về hưu nhiều năm, vị tướng già vẫn mang trọng trách đòi lại công bằng cho các nạn nhân chất độc màu da cam. Ông vẫn "chiến đấu" nhưng mang một vai trò khác – Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam Dioxin TP Hồ Chí Minh kiêm Phó Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam Dioxin Việt Nam.

Và khi nhắc về những ký ức của ngày 30/4 lịch sử, vị tướng Tám Thổ vẫn nhớ như in về trận đánh cuối cùng năm đó, ông cho biết, niềm hạnh phúc của ngày non sông nối liền một dải, là giây phút suốt cuộc đời mình chẳng thể quên.

Ông kể: "Tháng 3/1975, tôi đang được huấn luyện ở Bộ tham mưu Quân khu 8. Tuy nhiên, tình hình chiến trường miền Nam chuyển biến mau lẹ sau khi chiến dịch Tây Nguyên toàn thắng và bước vào giai đoạn quyết định, Quân khu 8 quyết định cho chúng tôi kết thúc khóa huấn luyện sớm, trở về đơn vị rồi ra chiến trường".

Với thành tích chiến đấu xuất sắc từ thời kháng chiến chống Pháp, Trung đoàn 88 mà tướng Thổ tòng quân được mệnh danh là quân tiên phong khi từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đánh chiếm đồi A1. Chính vì lẽ đó, trong cuộc chiến cuối cùng ở Sài Gòn lần này, Trung đoàn 88 một lần nữa được đảm nhiệm trọng trách đó.

Tới gần chiến dịch, Trần Ngọc Thổ được điều về làm Phó tham mưu tác chiến Trung đoàn 88. Trung đoàn được giao nhiệm vụ đánh từ hướng Chợ Gạo (Tiền Giang) qua Long An để đến huyện Bình Chánh, tiến đánh Tổng nha Cảnh sát và Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng hoà, hợp cùng các cánh quân khác giải phóng Sài Gòn.

Ký ức không bao giờ quên của vị tướng về hưu về trận đánh cuối cùng 30/4/1975 - Ảnh 2.

Quân giải phóng làm chủ Cảng Bạch Đằng thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy (4/1975). Ảnh: Vũ Tạo – TTXVN

Tướng Thổ cùng Ban Tham mưu quân đoàn bàn bạc kỹ lưỡng các mục tiêu tiến công, nghiên cứu cách đánh để làm sao tiến quân thần tốc và hạn chế hy sinh.

Có kế hoạch tỉ mỉ, chiến lược rõ ràng nên việc hành quân về Sài Gòn vào sáng 29/4/1975 gặp nhiều thuận lợi. Những quân lính Việt Nam Cộng hòa ở các đồn bốt nhỏ dọc đường khi nghe quân giải phóng thì bỏ chạy tán loạn. Đi đến đâu, đoàn quân cũng được người dân địa phương giúp đỡ nhiệt tình.

"Chính quyền đã triển khai, đồng bào tập trung lo cho bội đội giải phóng khi hành quân, mang nước cho bộ đội bằng quầy dừa, nghỉ chân có cơm ăn, đưa cả cánh cửa, tủ thờ, phản nằm làm nóc hầm trú ẩn cho bộ đội, qua sống rạch đều có xuồng đưa đón, có thể nói vui như hội mặc dù có thương vong, tất cả cho chiến thắng ngày 30/4/1975" – tướng Thổ nói.

Trung đoàn 88 đến Long An thì đối đầu với cứ điểm Cần Giuộc của địch. Quân địch tại đây chống trả quyết liệt. Xác định đây có thể là trận đánh lớn, một bộ phận Trung đoàn 88 nhận nhiệm vụ bao vây cứ điểm.

Song song với việc bao vây, tướng Thổ báo cáo cấp trên về ý định làm công tác địch vận, tránh đổ máu. Dù trận đánh lúc đầu cam go do 2 bên có giằng co tuy nhiên qua công tác địch vận cũng như nhận thấy khí thế quân giải phóng quá mạnh, đối phương tại cứ điểm Cần Giuộc gần như mất ý chí chiến đấu.

"Đêm 29 rạng sáng 30/4, một tiểu đoàn tấn công nhưng chỉ gặp kháng cự yếu ớt. Quân giải phóng sau đó tiếp quản rồi tập trung lực lượng, tiến về Sài Gòn qua ngã quốc lộ 50".

Ký ức không bao giờ quên của vị tướng về hưu về trận đánh cuối cùng 30/4/1975 - Ảnh 3.

Tổng thống Ngụy Dương Văn Minh cùng nội các tới Đài Phát thanh Sài Gòn tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, trưa 30/4/1975. Ảnh: TTXVN

Lúc 11h30 ngày 30/4, Trung đoàn 88 đang tiến nhanh vào Sài Gòn, qua khỏi quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh bây giờ) và cách cầu chữ Y (quận 8 bây giờ) chừng 10km thì nghe tiếng của Tổng thống Việt Nam cộng hòa Dương Văn Minh qua làn sóng phát thanh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.

Trong lúc ấy, Trung đoàn tiếp tục thực hiện mệnh lệnh chiến đấu nhưng cảm xúc về thông tin này khiến tướng Thổ không bao giờ quên: "Nghe được tin ấy, cả Trung đoàn vui mừng khôn xiết. Nhiều chiến sĩ rơi nước mắt vì từ nay đất nước thống nhất, được sống trong hòa bình, hạnh phúc. Tiến vào nội đô Sài Gòn, chúng tôi thấy biển người, cờ hoa tràn ngập mừng đoàn quân giải phóng, mừng ngày đất nước thống nhất. Hình ảnh đó khắc sâu vào tâm trí tôi cho đến tận hôm nay", vị tướng trận mạc kể về thời khắc lịch sử".

"Trung đoàn tiến vào Sài Gòn theo 2 hướng, thứ nhất đến cầu chữ Y rẽ phải đánh chiếm Trường hạ sỹ quan của Biệt khu thủ đô Sài Gòn ở xã Tân Quy, huyện Nhà Bè; cánh thứ hai đánh vào Tổng nha cảnh sát sau phát triển đánh xuống Bộ Tư lệnh Hải quân có lực lượng của Quân đoàn 1 biệt động thành đang nắm giữ. Trung đoàn sau đó tiếp tục đánh qua cầu Tân Thuận chiếm kho K18 Tổng bộ Hậu cần của Ngụy, đến 20h cùng ngày lực lượng trung đoàn đã chiếm giữ kho xăng Nhà bè, tiếp quản Dinh quận trưởng. Toàn trung đoàn trong đêm đã chiếm giữ toàn bộ huyện Nhà Bè từ xã Tân Quy, đến cư xá ngân hàng Tân Thuận Đông kho K18, kho xăng Nhà Bè, phà Bình Khánh, ổn định nhân dân và tiếp nhận vũ khí của lính Ngụy giải giáp. Đến 22h ngày 30/4, chính quyền Việt Nam Cộng hòa sụp đổ hoàn toàn".

Từ nay đất nước trọn niềm vui, Trung đoàn 88 tự hào và vinh quang khi tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Đến giờ, đó vẫn là những cảm xúc trong ký ức mà tôi không thể nào quên".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước