Hơn 400 đại biểu, khách mời tại Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 đã trao đổi một cách khách quan, thẳng thắn về các vấn đề khu vực đang nổi lên; đề xuất những hướng giải quyết, cách tiếp cận mới nhằm duy trì hòa bình, an ninh và ổn định tại khu vực.
Các đại biểu nhấn mạnh, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) tiếp tục là cơ sở pháp lý chủ chốt trong giải quyết vấn đề Biển Đông, kêu gọi các quốc gia thúc đẩy xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử (COC) hiệu quả và thực chất.
Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nói: "Nếu nói đến luật pháp quốc tế nói chung, còn có câu chuyện tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi, không sử dụng vũ lực, không đe dọa sử dụng vũ lực và giải quyết hòa bình các tranh chấp".
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu và các đại biểu tham dự hội thảo. (Ảnh: TTXVN)
Các đại biểu đã điểm lại lịch sử tranh chấp, một số đại biểu Anh, Pháp đã đưa ra các tài liệu, dẫn chứng cho thấy, tới năm 1899, triều đình phong kiến Trung Quốc vẫn khẳng định, Hoàng Sa và Trường Sa không thuộc phạm vi quản lý của nước này.
Ngoài ra, các đại biểu cũng thảo luận về vai trò của khoa học, công nghệ giám sát, viễn thám với vấn đề Biển Đông, nhấn mạnh vai trò của hợp tác quốc tế, các cơ chế đa phương, nhất là vai trò trung tâm của ASEAN.
Đại sứ, đại diện Đại sứ quán các nước, các đại biểu tham dự hội thảo. (Ảnh: TTXVN)
Các đóng góp của Việt Nam trong giải quyết vấn đề Biển Đông cũng được ghi nhận.
Giáo sư Carl Thayer (Đại học New South Wales, Australia) khẳng định: "Việt Nam đã tạo ra một diễn đàn mở cho các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách có liên quan vấn đề Biển Đông cùng thảo luận, đưa ra đóng góp giải quyết vấn đề".
Kết thúc hội thảo, các đại biểu nhận định, xây dựng lòng tin, mở rộng hợp tác, thu hẹp bất đồng tiếp tục là những giải pháp chủ yếu, quan trọng để biến Biển Đông thành khu vực hợp tác thay vì cạnh tranh và đối đầu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!