Theo các đánh giá, đây là một nhiệm kỳ mà các cơ quan tư pháp đã hoàn thành nhiệm vụ, với nhiều thành công cùng những đổi mới trong hoạt động tố tụng.
Các đại biểu cho biết, mặc dù còn gặp không ít khó khăn thách thức nhưng lĩnh vực tư pháp đã có nhiều đổi mới. Đáng chú ý như đẩy mạnh thực hiện tranh tụng tại tòa, thực hiện ghi âm ghi hình hay bước đầu thực hiện nhận gửi tài liệu qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia giúp tiết kiệm thời gian.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Thị Thuỷ phát biểu. Ảnh: Dương Giang - TTXVN
"Rất là ấn tượng trong nhiệm kỳ đó là thực hiện việc bắt buộc phải ghi âm ghi hình hoạt động hỏi cung bị can và qua giảm sát thì tôi thấy rằng Bộ Công an đã rất khẩn trương cho việc này. Phải khẳng định rằng đây là thành tựu của nền tư pháp nước nhà và bắt buộc ghi âm ghi hình hoạt động hỏi cung bị can nó sẽ là giải pháp quan trọng để nhằm chống bức cung nhục hình. Thời gian vừa qua, người dân và xã hội đã cảm nhận ngày càng rõ hơn về các phiên tòa tranh tụng ở nước ta. Tính tranh tụng, đối kháng, cọ sát giữa các chứng cứ, lý lẽ, lập luận của các bên ngày càng mạnh mẽ, thậm chí là rất quyết liệt. Đây là những tín hiệu rất đáng mừng về một nền tư pháp công bằng, nghiêm minh" - bà Nguyễn Thị Thủy - đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn phát biểu.
"Đây là một nhiệm kỳ mà các ngành tư pháp đã đứng trước nhứng áp lực rất lớn khi phải giải quyết những vụ án kinh tế tham nhũng đặc biệt lớn, xử lý những đối tượng có chức vụ cao, từng nắm giữ những vị trí quan trọng trong bộ máy lãnh đạo nhưng các cơ quan tư pháp đã thể hiện được bản lĩnh chính trị, sự tinh thông nghiệp vụ, các vụ án được giải quyết kịp thời trong thời gian ngắn đáp ứng được công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm" - ông Mai Khanh - đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình cho biết.
Đáng chú ý khi tại phiên thảo luận, một số đại biểu đã tiếp tục có sự tranh luận về vấn đề quan tâm. Tranh luận để đi tới cách hiểu chung nhất.
Góp ý thẳng thắn vào các báo cáo công tác nhiệm kỳ của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, nhiều đại biểu đã kiến nghị một số giải pháp để hoạt động tư pháp hiệu quả hơn trong thời gian tới.
"Để giữ được liêm chính thì phải dưỡng liêm mà cách dưỡng liêm có hiệu quả nhất là cùng với sự tu dưỡng, rèn luyện của các cá nhân, Nhà nước phải bảo đảm thu nhập cho họ. Nếu thẩm phán và kiểm soát viên được đãi ngộ tương xứng cùng với quy trình tuyển chọn và thải loại nghiêm ngặt về đức và tài thì tôi tin rằng cử tri và nhân dân sẽ có được điều mà họ luôn mong ước. Đó là người lương thiện, người vô tội chắc chắn sẽ được công lý bảo vệ dù họ giàu hay là nghèo và công lý thì không bao giờ được phép là đối tượng mua bán" - ông Trương Trọng Nghĩa - đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh nói.
Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Trương Trọng Nghĩa phát biểu. Ảnh: Dương Giang - TTXVN
"Tôi nhận ra một điều rằng, trong quá trình giải quyết các vụ án này, từ khi chúng ta thu giữ tài sàn, kê biên tài sản cho đến khi chúng ta đưa vào khâu xét xử thì việc đánh giá tính pháp lý của các khối tàn sản mà chúng ta thu giữ không được đặt ra. Thời gian gần đây những khối tài sản, những tàn sản mà liên quan đặc biệt là đất đai và các tài sản bất động sản thì nó khá nhiều, giá trị khá lớn và nó đặt cái sự chú ý của dư luận. Đó là điều cần phải quan tâm và tối kiến nghị các cơ quan tư pháp cũng phải nghiên cứu để đưa vấn đề này vào trong quá trình tố tụng" - ông Nguyễn Sơn - đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng phát biểu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!