Nghị trường Quốc hội nóng về chỉ tiêu "tỷ lệ oan sai" trong hoạt động tư pháp

Tạ Hiển-Thứ ba, ngày 30/03/2021 11:06 GMT+7

Phó trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng phát biểu trước Quốc hội

VTV.vn - Các đại biểu Quốc hội đã có nhiều tranh luận xoay quanh khái niệm "công lý", "tỷ lệ oan sai", hoạt động liên ngành trong hoạt động tư pháp.

Phối hợp liên ngành trong hoạt động tư pháp là gì?

Trong phiên thảo luận báo cáo của TAND tối cao, Viện KSND tối cao của Quốc hội sáng 30/3, Phó trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ sự khó khăn, áp lực của các cơ quan tư pháp và nhất trí cao báo cáo của Ủy ban Tư pháp về công tác tư pháp, đồng thời nêu quan điểm về một số vấn đề.

Đại biểu bày tỏ sự băn khoăn về nhận thức và hành động trên tinh thần đảm bảo tính độc lập tư pháp: "Vẫn tồn tài khái niệm về ngành. Thực ra không có khái niệm ngành. Mỗi tòa án là một cơ quan hoàn toàn độc lập với nhau. Không có tòa án cấp trên, tòa án cấp dưới. Các thẩm phán, hội thẩm hoàn toàn độc lập với nhau và không được can thiệp những vấn đề có liên quan để ảnh hưởng đến công lý".

Đại biểu Nhưỡng cũng chia sẻ quan điểm về câu chuyện "làm việc liên ngành" khi một đại diện kiểm sát nói về văn bản liên ngành: "Những việc sở hở trước xã hội như thế thì chúng ta cần có biện pháp suy nghĩ và khắc phục để đảm bảo tính độc lập".

Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương) tranh luận lại và cho biết đây là vụ việc cá biệt: "Phối hợp liên ngành là để chúng ta thống nhất về nhận thức pháp luật, đưa ra quan điểm để giải quyết làm sao cho hợp lý, đảm bảo yêu cầu chính trị, yêu cầu pháp luật, yêu cầu thực tiễn trong việc xử lý một vụ việc. Không có nghĩa chúng ta đưa ra quy định làm giảm đi tính độc lập của việc xét xử".

Nghị trường Quốc hội nóng về chỉ tiêu tỷ lệ oan sai trong hoạt động tư pháp - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương) tranh luận với đại biểu Lưu Bình Nhưỡng

Liên quan đến việc tham gia liên ngành, Chánh án TAND Thành phố Hà Nội, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Chính nhấn mạnh, những cuộc họp liên ngành là những vụ án khó, phức tạp, cần tìm ra những giải pháp như tình tiết buộc tội, nếu không đủ phải điều chỉnh, hoàn toàn không phải bàn nhau để thống nhất truy tố, xét xử.

Có hay không "tỷ lệ oan sai"?

Vấn đề thứ 2 mà đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nêu ra là vấn đề chỉ tiêu trong hoạt động tư pháp. Phó trưởng Ban Dân nguyện chia sẻ: "Chúng ta đặt ra những vấn đề chỉ tiêu về kế hoạch xét xử… Kế hoạch làm việc thì có nhưng kế hoạch xét xử tôi nghĩ cần phải nghiên cứu lại. Những phiên tòa ở nước ngoài có thể kéo dài cả năm… Không có công lý giá rẻ. Phải mất rất nhiều thời gian, công sức và cả xương máu mới có thể tìm ra công lý".

"Tỷ lệ oan sai là một tỷ lệ rất nguy hiểm. Hãy hình dung xem mình hoặc người thân của mình ở trong số 0,00001% oan sai thì mình sẽ nghĩ như nào. Tỷ lệ này ảnh hưởng tới tâm lý. Nếu không khắc phục rất nguy hiểm. Tỷ lệ oan sai liên quan đến một tỷ lệ rất quan trọng là liệu có hay không có tỷ lệ công lý. Công lý vĩ đại, thiêng liêng, hoàn hảo, tròn trịa. Làm sao mà có tỷ lệ công lý" – đại biểu đoàn Bến Tre nhấn mạnh.

Ông Lưu Bình Nhưỡng đề nghị cần phải hết sức lưu ý về những vấn đề xác định chỉ tiêu và đề nghị Quốc hội khóa XV xem xét vấn đề này.

Tranh luận với đại biểu Nhưỡng, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương) cho rằng, cách tiếp cận của đại biểu tỉnh Bến Tre chưa hợp lý: "Không phải chỉ Việt Nam có oan sai mà chúng ta tìm ra các giải pháp, đưa ra các mục tiêu, chỉ tiêu để phấn đấu. Không có nghĩa đặt ra chỉ tiêu là trong nền tư pháp có oan sai. Khi chúng ta ra chỉ tiêu mà đạt được tỷ lệ oan sai giảm thì đây là điều chúng ta làm tốt".

Bên cạnh đó, đại biểu Hồng cho rằng, quan điểm "lấy thời gian để xét xử vụ án để đánh giá giá trị công lý" là không toàn diện, không chính xác.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng cũng đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao giải thích thêm về những vấn đề này.

Đồng tình với đại biểu Hồng, chánh án, đại biểu Nguyễn Hữu Chính (đoàn TP Hà Nội) cho biết thêm: "Trong phát biểu báo cáo nhiệm kỳ của Chánh án TAND tối cao không có chỉ tiêu oan sai mà nêu về tỷ lệ hoãn hủy án, án sửa theo quy định pháp luật. Đại biểu Nhưỡng phân tích dưới khía cạnh khác dễ gây hiểu lầm".

Uỷ ban Tư pháp: Thẩm phán, kiểm sát viên vẫn còn e ngại, nể nang với cơ quan quản lý nhà nước địa phương Uỷ ban Tư pháp: Thẩm phán, kiểm sát viên vẫn còn e ngại, nể nang với cơ quan quản lý nhà nước địa phương

VTV.vn - Điểm chung của sự e ngại, nể nang là đều xảy ra trong công tác giải quyết các vụ án hành chính.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước