Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội. Ảnh: TTXVN.
Nhận lời mời của Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) Duarte Pacheco, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Áo Wolfgang Sobotka, Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) David Sassoli và Chủ tịch Quốc hội Phần Lan Anu Vehvilainen, ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 (WCSP5) tại Cộng hòa Áo; thăm, làm việc với Nghị viện châu Âu (EP), Vương quốc Bỉ; thăm chính thức Cộng hòa Phần Lan từ ngày 5 - 11/9/2021.
Chuyến thăm đánh dấu sự trở lại của ngoại giao nghị viện đa phương truyền thống sau 2 năm do tác động của đại dịch COVID-19.
Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới là cơ chế hoạt động đặc biệt của Liên minh nghị viện thế giới (IPU), là dịp để các nhà lập pháp toàn thế giới góp tiếng nói chung cùng Liên hợp quốc xử lý những vấn đề toàn cầu. Được tổ chức định kỳ 5 năm một lần, cơ cấu Hội nghị thường bao gồm phiên thảo luận toàn thể, các cuộc thảo luận nhóm, trao đổi bàn tròn và trình bày các báo cáo quan trọng. Qua 5 lần tổ chức vào các năm 2000, 2005, 2010, 2015 và phiên họp trực tuyến năm 2020, Hội nghị luôn nhận được sự tham gia đóng góp tích cực của Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam, do Chủ tịch Quốc hội hoặc Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội làm Trưởng đoàn.
Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới vào các năm 2000, 2005, 2010, 2015 và phiên họp trực tuyến năm 2020
Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới là cơ chế hoạt động mới, đặc biệt của IPU. Thông qua gặp gỡ Thượng đỉnh Nghị viện này, các nhà lập pháp toàn thế giới đã góp tiếng nói chung cùng Liên hợp quốc xử lý những vấn đề toàn cầu. Hội nghị thượng đỉnh các Chủ tịch Quốc hội thế giới được tổ chức định kỳ 5 năm một lần với sự hợp tác chặt chẽ của Liên hợp quốc. Cơ cấu Hội nghị thường bao gồm phiên thảo luận toàn thể, các cuộc thảo luận nhóm, trao đổi bàn tròn và trình bày các báo cáo quan trọng. Trước mỗi kỳ Hội nghị sẽ diễn ra cuộc họp của các Nữ Chủ tịch Quốc hội thế giới và kết thúc Hội nghị bằng việc thông qua một Tuyên bố chung do nhóm đại diện của các Chủ tịch Quốc hội soạn thảo.
Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 - phiên họp trực tiếp, sẽ được tổ chức từ ngày 7 - 8/9/2021 tại thủ đô Vienna, Áo, là chương trình nối tiếp của phiên họp trực tuyến được tổ chức vào tháng 8/2020. Đây là điểm nhấn, thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm của Quốc hội Áo, sự phát triển của ngoại giao nghị viện đa phương trong đó IPU giữ vai trò tiên phong và sự đồng lòng, đoàn kết của các Nghị viện thành viên.
Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 - phiên họp trực tiếp, sẽ được tổ chức từ ngày 7 - 8/9/2021 tại thủ đô Vienna, Áo
Hội nghị sẽ diễn ra sau Hội nghị thượng đỉnh lần thứ mười ba của các Nữ Chủ tịch Nghị viện vào ngày 6/9 và sau đó là Hội nghị thượng đỉnh Nghị viện toàn cầu lần thứ nhất về chống khủng bố vào ngày 9/9. Hơn 110 Chủ tịch Nghị viện các quốc gia trên toàn thế giới dự kiến sẽ đến thủ đô Viên, Áo để tham dự cuộc họp liên nghị viện quy mô lớn đầu tiên, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Với chủ đề chung "Sự dẫn dắt Nghị viện vì hợp tác đa phương hiệu quả hơn, nhằm mang lại hòa bình, phát triển bền vững cho người dân và trái đất", các Chủ tịch Nghị viện sẽ tập trung xem xét, thảo luận về các vấn đề nóng, cần được ưu tiên giải quyết, như: ứng phó toàn cầu với đại dịch COVID-19 và phục hồi sau đại dịch; tình trạng khẩn cấp về khí hậu; chống lại thông tin sai lệch; sự tham gia của giới trẻ vào chính trị và bình đẳng giới.
Chính phủ Áo đã áp dụng các biện pháp y tế mạnh mẽ và toàn diện để đảm bảo hội nghị diễn ra an toàn, bao gồm kiểm tra COVID-19 bắt buộc khi đến địa điểm tổ chức hội nghị, giới hạn số lượng đại biểu, thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách và bắt buộc đeo khẩu trang.
Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu sẽ tham dự phiên họp trực tiếp của Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5. Chủ tịch Quốc hội sẽ tham gia các phiên thảo luận toàn thể và thảo luận chuyên đề về những nội dung quan trọng bao gồm phát triển bền vững, tăng cường vai trò của chủ nghĩa đa phương trong hợp tác chống COVID-19 và phục hồi sau đại dịch, chuyển đổi nền kinh tế đấu, chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
Sau thành công tại Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN lần thứ 42 (Đại hội đồng AIPA 42) với sự đóng góp quan trọng của Quốc hội Việt Nam, chúng ta càng tin tưởng các Chủ tịch Quốc hội tham dự hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 - phiên họp trực tiếp, tại thủ đô Vienna, Áo sẽ cùng nhau tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề khu vực và toàn cầu hiện nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!