Ngày 9/11, trình Quốc hội dự án Luật Nhà giáo và dự án Luật Việc làm (sửa đổi)

Tạ Hiển-Thứ bảy, ngày 09/11/2024 06:00 GMT+7

VTV.vn - Sau khi Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Nhà giáo và dự án Luật Việc làm (sửa đổi), các đại biểu sẽ thảo luận ở tổ về 2 dự án luật này vào buổi chiều.

Thứ 7 (ngày 9/11), buổi sáng, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật.

Sau đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Nhà giáo. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Nhà giáo.

Tiếp đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Buổi chiều, các đại biểu thảo luận ở tổ về dự án Luật Nhà giáo và dự án Luật Việc làm (sửa đổi).

Trước đó, tại Phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến (lần 2) về dự án Luật Nhà giáo. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất về sự cần thiết xây dựng Luật Nhà giáo. Ghi nhận và đánh giá cao Cơ quan chủ trì soạn thảo đã tích cực phối hợp với Cơ quan thẩm tra, nghiêm túc tiếp thu, bổ sung, chỉnh lý Hồ sơ dự án Luật theo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 37. Hồ sơ dự án Luật cơ bản đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8. Đồng thời cơ bản nhất trí với Báo cáo thẩm tra sơ bộ (lần 2) của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Báo cáo thẩm tra sơ bộ (lần 2) của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và ý kiến tham gia thẩm tra của Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Dự thảo Luật cần bảo đảm nguyên tắc: không quy định lại các vấn đề đã được điều chỉnh bởi các luật chuyên ngành; chỉ quy định những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, giao Chính phủ, các bộ, ngành theo thẩm quyền quy định tại các văn bản hướng dẫn thi hành luật; đối với những chính sách mới, có tính đặc thù, cần đánh giá tác động kỹ lưỡng, xác định rõ đối tượng áp dụng, bảo đảm phù hợp, khả thi. Các quy định, chính sách cần ưu tiên tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà giáo.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các chính sách đối với nhà giáo theo hướng thận trọng, nhất quán, khả thi, có sự đột phá; bảo đảm các khung chính sách của Nhà nước về nhà giáo được cụ thể hóa đầy đủ. Đánh giá kỹ lưỡng hơn tác động của những chính sách mới, nhất là việc bảo đảm các nguồn lực về tài chính, nguồn nhân lực để thực hiện. Rà soát các chính sách về tuyển dụng, sử dụng, đánh giá nhà giáo bảo đảm tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật và có những cơ chế, chính sách đặc thù để khuyến khích, thu hút nhà giáo. Chính sách tiền lương và phụ cấp cho nhà giáo cần phù hợp với bối cảnh thực hiện cải cách tiền lương. Việc quản lý nhà giáo và quy định về thẩm quyền của các cơ quan quản lý nhà nước về nhà giáo cần bảo đảm sự tập trung, có phân cấp, phân quyền phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của từng chủ thể quản lý.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước