Hôm nay (8/10), dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục họp phiên thứ 38.
Cho ý kiến vào chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cân nhắc việc đầu tư những công trình văn hóa nhưng hiệu quả thấp; chú trọng đến phát triển văn hóa cơ sở, là nền tảng để toàn dân xây dựng giá trị đạo đức, chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới.
"Sức mạnh văn hóa chính là ở người dân, ở cơ sở mới bảo tồn được di sản, bảo tồn được truyền thống văn hóa, truyền thống của dân tộc, của đất nước chúng ta. Bây giờ chúng ta tính không tiền làm được mới hay, còn tiền có cũng hay nhưng do điều kiện đất nước khó khăn thì các đồng chí cân nhắc, tính toán lại", Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhận định.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. (Ảnh: TTXVN)
Có ý kiến đề nghị cần xem xét lại tính khả thi của một số mục tiêu mà chương trình đề ra.
"Đấy là mục tiêu số 5, phấn đấu 100% các đơn vị hoạt động văn hóa nghệ thuật thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng các thành tựu cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và mục tiêu số 6 là 100% học sinh, sinh viên trong hệ thống giáo dục quốc dân được tiếp cận, tham gia hiệu quả, thường xuyên các hoạt động giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa. Chúng ta đưa mục tiêu 100% này, theo chúng tôi là khó có thể khả thi", bà Lê Thị Nga (Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội) nêu ý kiến.
Cho ý kiến lần hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá dự thảo Luật Nhà giáo đã đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8; thống nhất với chủ trương lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng nội dung nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non có thể nghỉ hưu sớm 5 năm và được hưởng chế độ theo quy định, tương thích với Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi vừa được thông qua.
Cho ý kiến vào dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý cơ quan soạn thảo tiếp thu, hoàn thiện chính sách phát triển công nghệ số có tính vượt trội và chọn lọc, có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Đối với quy định về tài sản số, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng đây là vấn đề rất mới, phức tạp, nhiều thách thức về quản lý nên cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế; rà soát kỹ lưỡng khái niệm phân loại tài sản số, dữ liệu số, quyền, nghĩa vụ của người sở hữu tài sản số, cùng quản lý nhà nước về tài sản số, đảm bảo thống nhất với Bộ luật Dân sự, Luật Chứng khoán và các luật có liên quan.
Trong chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách trung ương năm 2024.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!