Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mở ra nhiều cơ hội cũng như những thách thức với nhiều quốc gia trên toàn cầu. Vào cuối tháng 9 năm ngoái, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52 về một số chủ trương, chính sách để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp này.
Hơn 1 năm sau khi nghị quyết ra đời, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là động lực phát triển kinh tế - xã hội. Mặc dù các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do dịch COVID-19 nhưng tinh thần khởi nghiệp, chủ động đổi mới sáng tạo vẫn được phát huy góp phần tạo động lực tăng trưởng.
Công nghệ in 3D, robot thông minh, ô tô tự lái... nằm trong danh mục ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cách mạng lần thứ 4. Để thúc đẩy sự chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị đặt ra yêu cầu phải đổi mới tư duy về quản lý kinh tế, quản lý xã hội, xây dựng, hoàn thiện thể chế phù hợp
Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, đẩy nhanh thành lập các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, trước mắt tại Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến tinh thần chủ động
Hàng trăm khởi nghiệp trẻ công nghệ số đã ra đời kể từ hơn 1 năm nay. Các hội chợ công nghệ, chương trình Make in Việt Nam đã tạo ra sân chơi công nghệ sôi nổi. Trong 10 tháng qua, dù dịch bệnh nhưng cả nước vẫn có 112.000 doanh nghiệp thành lập mới, trong đó có rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Các doanh nghiệp khởi nghiệp đóng góp trung bình từ 2-3% tổng thu nhập quốc nội nhưng giá trị cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vẫn là con người, nơi tinh thần chủ động và sáng tạo sẽ mang lại cơ hội và giá trị cho nền kinh tế đất nước
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!