Cùng với kiện toàn các chức danh Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội, theo chương trình nghị sự, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ thông qua 10 dự án luật, cho ý kiến lần đầu với 11 dự án luật.
Đồng thời, Quốc hội sẽ xem xét các quyết sách quan trọng, nhằm góp phần đạt được các mục tiêu kinh tế - xã hội năm nay và giai đoạn tới. Đây cũng là những nội dung nhận được sự quan tâm và kỳ vọng của cử tri cả nước.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đường bộ, trật tự an toàn giao thông đường bộ, Thủ đô… là một số trong số 10 dự án luật dự kiến được thông qua tại Kỳ họp thứ 7. Còn với những dự án luật sẽ cho ý kiến lần đầu liên quan tới các lĩnh vực như phòng cháy chữa cháy, công chứng, công đoàn…, đây đều là những dự án luật có phạm vi điều chỉnh rộng, bám sát yêu cầu thực tiễn và gắn kết chặt chẽ với lợi ích của cử tri.
"Có thể nói là đây là khối lượng công việc rất lớn, đòi hỏi sự tập trung cao độ của Chính phủ, các cơ quan trình dự án cũng như sự vào cuộc của Quốc hội, các cơ quan chủ trì thẩm tra, cùng với đó là vào cuộc và tham gia của đại biểu Quốc hội với các dự án luật này", ông Nguyễn Trường Giang, Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đánh giá.
Kỳ họp giữa năm cũng là dịp đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội Quốc hội giao Chính phủ. Thống kê cho thấy, GDP quý I ước tăng 5,66% so với cùng kỳ, bình quân CPI 4 tháng tăng 3,93%.
Dù tăng trưởng được thúc đẩy, kinh tế vĩ mô được giữ vững nhưng vẫn còn một số thách thức cả trong nước và quốc tế cần được Quốc hội phân tích, đánh giá để từ đó đề ra được những quyết sách phù hợp.
"Chúng ta phải tái cấu trúc lại hoạt động sản xuất, nâng cao năng suất lao động, tạo ra bước phát triển đột phá để có cơ hội thực hiện kế hoạch năm 2024 tốt nhất", TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, nhận định.
"Chúng tôi mong muốn Quốc hội sẽ đề cập cả đến những vấn đề mang tính chất trung hạn và dài hạn với bối cảnh kinh tế như hiện nay, cần có quyết sách gì để có thể tái cấu trúc nền kinh tế, để có thể đưa nền kinh tế thực sự vượt qua bẫy thu nhập trung bình để nền kinh tế có nền tảng vững mạnh, phát triển bền vững và đạt được mục tiêu và tầm nhìn 2030, đến năm 2045", TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam, nêu quan điểm.
Cũng tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa, quy hoạch không gian biển quốc gia..., đồng thời lựa chọn một số lĩnh vực nóng để chất vấn.
"Nội dung chất vấn rất được cử tri quan tâm liên quan đến môi trường, Kiểm toán Nhà nước vì vừa qua kết luận Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra hàng loạt sai phạm, thực hiện kết luận kiểm toán như thế nào cũng còn là bài toán cần có tổ chức giám sát lại", ông Nguyễn Ngọc Sơn, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, cho biết.
Cử tri và nhân dân kỳ vọng, các đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục phát huy trí tuệ, thẳng thắn, trách nhiệm để xem xét, thông qua các quyết sách quan trọng, vì lợi ích của người dân, sự phát triển của đất nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!