Những "đôi mắt thần" làm nên kỳ tích chiến thắng B-52

Anh Ngọc, Văn Việt-Thứ ba, ngày 20/12/2022 21:09 GMT+7

VTV.vn - Trái tim của Không quân Việt Nam - các sĩ quan dẫn đường chính là lực lượng đóng góp quan trọng làm nên chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" 50 năm trước.

Cách đây 50 năm, trong suốt 12 ngày đêm cuối tháng Chạp năm 1972, Không quân Mỹ đã sử dụng tới hàng chục nghìn tấn bom rải thảm nhằm "đưa Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá". Và cũng chính vào thời điểm đó, quân và dân Hà Nội đã bước vào cuộc chiến quả cảm để chống lại chiến dịch ném bom quy mô ác liệt của không quân Mỹ, làm nên chiến thắng lịch sử "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không".

Trong cuộc chiến này, không quân nhân dân Việt Nam đã thực hiện được một kỳ tích, đó là sử dụng máy bay chiến đấu MiG-21 bắn rơi pháo đài bay B-52 mà người Mỹ cho là "bất khả xâm phạm". Phía sau chiến công của các phi công trên bầu trời, có công sức vô cùng quan trọng của các sĩ quan dẫn đường - những đôi mắt thần dưới mặt đất.

Những đôi mắt thần làm nên kỳ tích chiến thắng B-52 - Ảnh 1.

Hàng chục máy bay tiêm kích và gây nhiễu điện tử đi theo yểm hộ với hỏa lực bao trùm một phạm vi nhiều cây số. Người Mỹ cho rằng với sự bảo vệ này, không một chiếc máy bay nào có thể bắn hạ B-52 trên bầu trời. Vậy mà năm 1972, những chiếc máy bay MiG-21 nhỏ bé của Không quân nhân dân Việt Nam đã đập tan ảo tưởng đó.

Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Chuyên - Nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Không quân là 1 trong 6 sĩ quan dẫn đường đầu tiên của Không quân Việt Nam. Theo ông, công lao để bắn rơi được máy bay địch không chỉ ở phi công, mà có cả 3 vị trí gồm người chỉ huy, phi công và người dẫn đường.

Ngay từ năm 1965, sau khi những phi công lão luyện của Mỹ lần đầu tiên bị bắn rơi trên bầu trời miền Bắc, dưới tay một lực lượng Không quân Việt Nam còn non trẻ, người Mỹ đã phải sững sờ nhận định:

"Các phi công MiG rõ ràng đã được hệ thống dẫn đường mặt đất chỉ dẫn, để có thể tới được vị trí tập kích sau lưng chúng ta". Vậy những người dẫn đường, họ là ai?

Thượng tá Trần Đức Tụ - Nguyên Phó Tham mưu trưởng Sư đoàn Không quân 371 đã dẫn đường cho phi công Vũ Xuân Thiều tiêu diệt B-52 ngày 28/12/1972. Thượng tá cho biết "Nghề của chúng tôi là phải làm sao đưa được máy bay của ta chiếm được vị trí thuận lợi nhất và có đủ các yếu tố như độ cao hay tốc độ, để người phi công tiến lên chọn mục tiêu và tiêu diệt nó".

Đại tá Tạ Quốc Hưng - Nguyên Phó Tham mưu trưởng Sư đoàn Không quân 371 kể lại: "Các thứ mà phi công học về kiến thức hàng không, khí động học, thời tiết, bắt buộc người dẫn đường phải học. Căn cứ tình hình địch, tín hiệu radar báo về, từ đấy chúng tôi tính toán tuyến cất cánh và từ sân bay đến tuyến đánh chặn mất bao nhiêu lâu để phi công đến đúng thời gian, đúng tuyến đánh chặn mà người chỉ huy yêu cầu".

Sơ đồ tái hiện phần nào những trận không chiến bảo vệ Thủ đô trong 12 ngày đêm khói lửa năm 1972 là kết quả của nhiều năm nghiên cứu của ngành dẫn đường để hình thành một chiến thuật táo bạo.

Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Chuyên chia sẻ, nếu mình dẫn mà cứ đối mặt với địch, thì rõ ràng là địch mạnh mình yếu, địch nhiều mình ít nên phải dùng chiến thuật đi thấp kéo cao, bí mật bất ngờ, để tiếp cận và bắn rơi được địch.

Đại tá Tạ Quốc Hưng kể lại, bay thấp để cho radar và máy bay chỉ huy của địch không phát hiện ra mình và dẫn đường phải chọn đường bay mà địa hình cho phép. Kéo cao tức là đang từ bay thấp, lên thẳng một mạch luôn; đến độ cao nếu đánh B-52 là 8-9000, địch xử lý các tình huống để đối phó với MiG của mình là khó.

Thượng tá Trần Đức Tụ - Nguyên Phó Tham mưu trưởng Sư đoàn Không quân 371 chia sẻ: "Khi đưa được máy bay đến vị trí tiêu diệt được địch, ai cũng vô cùng phấn khởi và tự hào vì đã góp được một phần nhỏ bé vào chiến thắng chung".

Với đóng góp quan trọng giúp các phi công tiêu diệt 320 trong tổng số 4.181 máy bay Mỹ bị quân và dân ta bắn rơi trên bầu trời miền Bắc, ngành dẫn đường chính là ngành duy nhất trong quân chủng Phòng không - Không quân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Và người Mỹ, trong một tập báo cáo tối mật, đã phải thẳng thắn bày tỏ sự thán phục: "Các sĩ quan dẫn đường chính là trái tim của lực lượng Không quân Việt Nam".

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Tuân - phi công Việt Nam đầu tiên bắn rơi B52 Mỹ trên bầu trời Hà Nội khi lý giải về thắc mắc của nhiều phi công Mỹ về kỳ tích này đã nói rằng: "Việt Nam đánh được B-52 là nhờ sự nhạy cảm, đánh giá đúng âm mưu, thủ đoạn, hành động thực tế của đối phương. Và trên hết là tinh thần đoàn kết, dũng cảm tuyệt vời của quân và dân ta".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước