Phía Trung Quốc tạm dừng bán đấu giá các bản sắc phong của Việt Nam

PV-Thứ năm, ngày 20/04/2023 19:14 GMT+7

VTV.vn - Ngày 19/4, đại diện của Cục Văn hóa và Du lịch Thượng Hải (Trung Quốc) thông báo đã quyết định tạm dừng cuộc bán đấu giá một số đạo sắc phong của Việt Nam.

Chiều 20/4, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, thông tin về việc một số đạo sắc phong của Việt Nam bị đưa ra bán đấu giá ở Trung Quốc, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, sau khi trao đổi với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải đã liên hệ và làm việc với các cơ quan chức năng của thành phố Thượng Hải, đề nghị tạm dừng đấu giá các bản sắc phong này.

Phía Trung Quốc tạm dừng bán đấu giá các bản sắc phong của Việt Nam - Ảnh 1.

Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt mời các phóng viên đặt câu hỏi. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

"Chúng tôi yêu cầu phía Thượng Hải cung cấp thông tin về các sắc phong. Ngày 19/4, đại diện của Cục Văn hóa và Du lịch Thượng Hải thông báo quyết định tạm dừng cuộc bán đấu giá, sẵn sàng phối hợp với phía Việt Nam để cung cấp các thông tin liên quan"- Phó Phát ngôn Đoàn Khắc Việt thông tin.

Theo Phó phát ngôn, trong thời gian tới Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ VH-TT&DL và các địa phương, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài theo sát các diễn biến vụ việc.

* Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, căn cứ thông tin đăng tải trên website của Công ty đấu giá "Thượng Hải Dương Minh phách mại hữu hạn", trong hệ thống hiện vật đấu giá dự kiến sẽ đưa ra đấu giá ngày 22/4/2023 đưa thông tin về 12 đạo sắc phong, trong đó có 3 đạo sắc có khả năng thuộc nguồn gốc di tích đền Quốc Tế, tại xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ và 9 sắc phong của 4 địa phương: Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Dương; đồng thời vẫn còn nhiều hiện vật, sắc phong trong danh mục các hiện vật được đăng đấu giá (trong đó có 8 sắc phong chưa bán được của các tỉnh như Hà Nam, Nam Định…) có khả năng có nguồn gốc của Việt Nam, có liên quan đến các di tích, địa điểm liên quan tại các địa phương khác nhau của Việt Nam.

Trong hệ thống các văn bản hành chính thời quân chủ lập hiến Việt Nam cho đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, sắc phong là một loại văn bản hành chính do Triều đình (Vua) ban hành để ban/phong, gia phong, truy tặng chức tước cho những người có công hoặc ban/phong, gia phong cho thần.

Sắc phong là các hiện vật gốc được lưu giữ trong môi trường tôn giáo, tín ngưỡng, được thờ trong các di tích lịch sử, được cả cộng đồng làng xã bảo quản qua các thế hệ. Đây là một loại hình di sản văn hóa, một nguồn tài liệu quý hiếm, có giá trị về nhiều mặt, rất cần được giữ gìn và bảo vệ bởi nó không chỉ là những hiện vật mang tính khoa học, mà còn là vật thiêng trong đời sống tâm linh của cộng đồng cư dân các làng xã Việt Nam.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu rõ, về trách nhiệm, việc quản lý các hiện vật, di vật, cổ vật… trong di tích, bảo tàng và các địa điểm liên quan thuộc trách nhiệm quản lý trực tiếp và quản lý nhà nước của các địa phương. Tuy nhiên, Việt Nam và Trung Quốc cùng là thành viên tham gia Công ước UNESCO 1970 về các biện pháp ngăn cấm xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa, trong đó các nước thành viên Công ước UNESCO 1970 có cùng cam kết: "Theo yêu cầu của quốc gia thành viên sở hữu tài sản, tiến hành những biện pháp cần thiết nhằm phục hồi và trả lại bất cứ tài sản văn hóa nào được nhập khẩu vào nước đó sau khi Công ước có hiệu lực ở cả hai nước hữu quan".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước