Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày dự thảo Nghị quyết Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Ảnh: TTXVN
Siết chặt kỷ cương, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong xây dựng pháp luật
Sáng 13/11, tại phiên bế mạc, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV với tỷ lệ 93,59% (467/479 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, bao gồm điểm cầu TP Hồ Chí Minh).
Nghị quyết nhấn mạnh, sau 16 ngày làm việc gồm 2 đợt họp trực tuyến kết hợp với tập trung, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành chương trình đề ra. Kết quả kỳ họp tiếp tục khẳng định trách nhiệm, sự nỗ lực, quyết tâm cao của Quốc hội, Chủ tịch nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong chuẩn bị, tiến hành kỳ họp, bảo đảm hoạt động của Quốc hội ngày càng chủ động, trách nhiệm, đổi mới, dân chủ, công khai, minh bạch, gắn bó mật thiết với Nhân dân, được cử tri và Nhân dân đánh giá cao.
Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã thông qua 2 Luật, 12 Nghị quyết và cho ý kiến 5 dự án Luật.
2 Luật được thông qua gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục – Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.
12 Nghị quyết thông qua gồm: Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2022; Nghị quyết về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021 - 2025; 04 nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, tỉnh Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Thừa Thiên Huế; Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến; Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 2 và Nghị quyết kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
5 dự án Luật được cho ý kiến gồm: Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Luật Điện ảnh (sửa đổi), Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Luật Cảnh sát cơ động và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Quốc hội cũng đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân đã khắc phục khó khăn, nỗ lực vượt qua thách thức, chủ động, linh hoạt, vừa tập trung phòng, chống dịch COVID-19, vừa từng bước phục hồi, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, tăng cường đối ngoại, phấn đấu đạt ở mức cao nhất các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2021.
Công tác xây dựng pháp luật, triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, toàn diện hơn; công tác tổ chức thực thi pháp luật ngày càng được chú trọng. Tuy nhiên, việc triển khai thi hành luật, pháp lệnh vẫn là khâu yếu, có lúc chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao, còn chậm ban hành một số văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.
Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan liên quan Thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng pháp luật, gắn với việc tổ chức thực hiện Kết luận số 19 của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó, tập trung ưu tiên các nhiệm vụ lập pháp, cần hoàn thành việc nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới luật, pháp lệnh, nghị quyết trong năm 2022 và kiến nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023.
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác xây dựng pháp luật; thực hiện nghiêm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Không để bị tác động, chi phối bởi các hành vi không lành mạnh hoặc lồng ghép "lợi ích nhóm", lợi ích cục bộ của tổ chức, cá nhân vào các văn bản quy phạm pháp luật. Xử lý dứt điểm tình trạng chậm, nợ văn bản quy định chi tiết, nhất là văn bản quy định chi tiết các luật đã có hiệu lực từ năm 2019 và 2020, phấn đấu không để xảy ra chậm, nợ văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành trong năm 2022.
Tội phạm ma túy diễn biến phức tạp, vi phạm phòng dịch diễn ra ở nhiều nơi
Công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, công tác xét xử, thi hành án tiếp tục được đẩy mạnh, đạt được nhiều kết quả tích cực; chất lượng công tác điều tra đã được nâng lên rõ rệt, một số chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm về ma túy diễn biến rất phức tạp; một số loại tội phạm nghiêm trọng gia tăng; vi phạm quy định về phòng, chống dịch COVID-19 vẫn diễn ra ở nhiều nơi; việc lợi dụng mạng viễn thông, mạng internet, mạng xã hội gây mất an ninh trật tự, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, tín dụng đen… diễn ra với nhiều thủ đoạn tinh vi; công tác quản lý nhà nước về đấu thầu, chỉ định thầu, định giá, cổ phần hóa, thoái vốn trong doanh nghiệp nhà nước, sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập còn nhiều bất cập; tình trạng vi phạm trong quá trình tổ chức thi hành án vẫn chưa được khắc phục triệt để.
Quốc hội yêu cầu: Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao phát huy kết quả đạt được, có giải pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại; tiếp tục triển khai có hiệu quả nhằm đạt các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 96/2019/QH14.
Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao tập trung chỉ đạo giải quyết đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của pháp luật, đạt tỷ lệ giải quyết đã được Nghị quyết của Quốc hội giao.
Về ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước, Quốc hội đề nghị các cơ quan, người có thẩm quyền thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri và Nhân dân; nghiêm túc thực hiện chế độ tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu; nghiên cứu xây dựng cơ chế thực hiện tiếp công dân trực tuyến phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19; tập trung giải quyết và có lộ trình giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người phức tạp, tồn đọng, kéo dài; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, nhất là các vụ việc mới phát sinh ngay từ cấp cơ sở...
Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các Bộ, ngành trung ương tập trung giải quyết các tồn tại, thực hiện các kiến nghị đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết luận trong quá trình giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri và giám sát việc thực hiện công tác tiếp công dân, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; báo cáo kết quả tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV (tháng 5/2022).
Khẩn trương đánh giá kết quả thực hiện việc hỗ trợ người lao động
Nghị quyết cũng nêu rõ, việc quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2020 về cơ bản thực hiện theo quy định của pháp luật. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế vượt mục tiêu đề ra. Công tác kiểm soát thu, chi bảo hiểm y tế được tăng cường. Tuy nhiên, một số tồn tại từ nhiều năm trước của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo hiểm y tế và khám bệnh, chữa bệnh vẫn chưa được giải quyết; còn khoảng gần 10% dân số chưa tham gia bảo hiểm y tế; tỷ lệ chi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2020 ở các tuyến vẫn còn mất cân đối, nhất là tuyến cơ sở và địa bàn miền núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Việc thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ còn những hạn chế, vướng mắc. Có nơi còn chưa có sự thống nhất giữa cơ quan bảo hiểm xã hội và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong thanh quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ khẩn trương trình Quốc hội dự án Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) đồng bộ với việc sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế cho các nhóm đối tượng. Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, công tác giám định bảo hiểm y tế; sớm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thanh quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, trong đó bao gồm việc thanh toán chi phí khám và điều trị cho người bệnh COVID-19…
Về việc thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2020, dù cơ bản đã hoàn thành được mục tiêu đề ra nhưng một số chính sách, quy định về bảo hiểm xã hội chưa đi vào cuộc sống; có những vướng mắc, bất cập, hạn chế đã được chỉ ra nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung; tỷ lệ lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội còn chưa cao; tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc giảm; còn tình trạng lạm dụng, trục lợi từ Quỹ Bảo hiểm xã hội…
Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan khẩn trương trình Quốc hội việc sửa đổi hoặc sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm và các luật khác có liên quan.
Khẩn trương đánh giá kết quả thực hiện việc hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thông qua chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp để đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm bảo đảm kịp thời chế độ, chính sách cho các nhóm đối tượng….
Phòng chống COVID-19 bảo đảm thống nhất, đồng bộ trên toàn quốc
Về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Nghị quyết kỳ họp nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, định hướng sát tình hình; các cơ quan chức năng, địa phương chủ động thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khoẻ Nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch cơ bản được thực hiện thống nhất, xuyên suốt, kịp thời. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 làm căn cứ cho Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số nghị quyết quy định khác với quy định của luật để kịp thời triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo an sinh xã hội và khôi phục, phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành trên 100 văn bản chỉ đạo, điều hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách trong công tác phòng, chống dịch.
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết. Ảnh: TTXVN
"Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, các địa phương, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, giúp đỡ của bạn bè quốc tế và đồng bào ta ở nước ngoài; đặc biệt là đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng tuyến đầu chống dịch, nhất là ngành y tế, các lực lượng vũ trang và cán bộ cơ sở đã cống hiến hết mình, xung kích vào tâm dịch rất nguy hiểm vì mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe, tính mạng, cuộc sống bình yên của Nhân dân và sự phát triển bền vững của đất nước" – Nghị quyết nêu rõ.
Công tác phòng, chống dịch đã đạt được những kết quả quan trọng, dịch COVID-19 đã từng bước được kiểm soát, các địa phương đang từng bước triển khai thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19. Công tác ngoại giao vaccine đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Tuy nhiên, từ đầu tháng 10/2021 đến nay, nhiều địa phương ghi nhận số ca mắc mới trong cộng đồng có dấu hiệu tăng nhanh, trong đó nhiều ổ dịch mới được phát hiện tại các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, trung tâm thương mại, chợ đầu mối, trường học và khu dân cư, cho thấy tình hình dịch COVID-19 trong nước vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát mạnh trở lại.
Do đó, cần đánh giá sâu sắc công tác phòng, chống dịch thời gian qua để rút ra bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành; công tác triển khai, phối hợp thực hiện ở các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương có lúc, có nơi còn lơ là, chủ quan, bị động, lúng túng hoặc cứng nhắc; tổ chức thực hiện thiếu thống nhất, thiếu nhất quán, chưa đồng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các tình huống cụ thể, đột xuất, không theo kịp diễn biến của tình hình thực tế.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các ngành, các cấp chính quyền địa phương thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã. Khẩn trương đánh giá hiệu quả thực hiện các chính sách hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 một cách tổng thể.
Tiếp tục rà soát, tổng kết các quy định có liên quan đến công tác phòng, chống dịch, công tác khám bệnh, chữa bệnh. Tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống y tế; nâng cao năng lực dự báo, giám sát, phát hiện bệnh sớm, khống chế kịp thời, có hiệu quả dịch COVID-19 và các bệnh dịch mới nổi; củng cố, hoàn thiện và phát triển mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng. Thực hiện việc giao Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý các cơ sở y tế tuyến huyện và tuyến xã ở những nơi có đủ điều kiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; thực hiện khen thưởng kịp thời tổ chức, cá nhân có thành tích và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong phòng, chống dịch COVID-19. Tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 bảo đảm thống nhất, đồng bộ trên phạm vi toàn quốc, bám sát mục tiêu "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" gắn với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Nghị quyết kỳ họp giao: Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Kiểm toán nhà nước, các Bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp theo chức năng, nhiệm vụ tổ chức thực hiện có hiệu quả và tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật để sớm đưa luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua đi vào cuộc sống.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận giám sát và động viên mọi tầng lớp Nhân dân thực hiện Nghị quyết này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!