Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Mỗi người tốt, việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc là một rừng hoa đẹp". Đó có thể là một cậu bé hay một bậc cao niên bằng sức lực của mình luôn làm việc tốt.
Đại biểu ít tuổi nhất tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X là em Phan Nguyễn Thái Bảo (học sinh lớp 4A, trường Tiểu học Bình Phong, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh). Đến nay, em đã sở hữu hàng trăm huy chương, cúp vô địch, giấy khen của các tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước. Nổi bật trong đó là huy chương vàng tại các giải cờ vua, cờ chớp khu vực Đông Nam Á, ĐBSCL, Đông Nam Bộ... từ năm 2017 đến nay. Em cũng là đại biểu nhỏ tuổi nhất tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X vừa qua.
Đại biểu nhiều tuổi nhất tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X là mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Quýt (ở TP Hồ Chí Minh, năm nay 95 tuổi). Hơn 20 năm qua, mẹ Quýt vẫn đều đặn hàng ngày may chăn mền tặng các vùng khó khăn, số lượng nhiều không đếm xuể. Đặc biệt, trong đợt dịch COVID-19 vào đầu năm 2020, mẹ đã tình nguyện may khẩu trang miễn phí tặng người dân chống dịch.
Nhiều tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng
Trong mỗi hành trình phát triển của đất nước, chúng ta đều bắt gặp hình ảnh con người Việt Nam đoàn kết, nhân ái. Năm 2020 vừa qua đi, đánh dấu một năm với nhiều biến cố của dịch bệnh và bão lũ. Tuy nhiên, cũng chính trong hoàn cảnh khắc nghiệt ấy, hình ảnh con người Việt Nam giàu tình yêu thương lại bừng sáng. Họ là những tấm gương thầm lặng hết lòng vì cộng đồng.
Chiều 28 Tết Canh Tý, khi người người, nhà nhà chờ đón một cái Tết Nguyên đán sum vầy, 2 ca nhiễm COVID-19 đầu tiên tại Việt Nam xuất hiện. Kể từ thời điểm đó, những chuỗi ngày không thể nào quên bắt đầu. Bận rộn, căng thẳng, nguy hiểm, đó là những từ ngữ nói về các chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch. Tận tình, chăm lo từ bữa ăn đến sức khỏe cho hàng nghìn lượt công dân ở khu cách l, họ là những người lính thời bình.
Trong đợt dịch bùng phát trong tháng 8/2020 tại thành phố Đà Nẵng, người lớn, em nhỏ, thậm chí là cụ già ai nấy đều hối hả thu hái nông sản gùi mang về làng để kịp ủng hộ, tiếp sức cho bà con ở đồng bằng chống dịch.
Tuy nhiên, những ngôi làng bình yên bỗng bị chôn vùi bởi sạt lở đất. Nhiều mái nhà, ngôi trường ở các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam, thành phố Huế... chìm sâu trong biển nước. Nhiều bàn tay đưa ra cứu những đứa trẻ, đưa người già đến nơi an toàn, liều mình nhảy xuống dòng nước lũ, bế đứa trẻ đang bơi đi lấy hàng cứu trợ..., một lần nữa, những trái tim yêu thương trên dọc đất nước hình chữ S lại hướng về miền Trung ruột thịt suốt những ngày tháng 10 vừa qua.
Bánh chưng, bánh tét, ghe xuồng áo phao, trên khắp các tuyến đường là những đoàn xe cứu trợ nối đuôi nhau thẳng tiến vào miền Trung. Còn có rất nhiều những tấm lòng thầm lặng khác cùng nắm tay vượt qua một năm đầy thử thách.
Lan tỏa phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào các dân tộc vùng cao
Trong những năm qua, thực hiện chủ đề thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động: "Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", những phong trào thi đua tiếp tục phát triển sâu rộng ở các cấp, các ngành, các vùng miền, địa phương trên cả nước. Thi đua không chỉ để bản thân mình tốt hơn mà còn tạo ra những giá trị vô giá vì cộng đồng, vì đất nước. Tại những vùng đất khó khăn, nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, vai trò của những tấm gương người tốt, việc tốt càng đáng quý hơn bao giờ hết. Đó có thể là một người đàn ông hiến đất làm đường, một bí thư thôn hàng ngày tận tay chỉ cho người dân cách trồng rau, trồng lúa, hay một người phụ nữ bền bỉ giữ gìn tiếng nói của dân tộc mình….
Trong 72 năm qua, phong trào thi đua ái quốc đã trải qua nhiều chặng đường đầy gian lao trên con đường xây dựng và phát triển đất nước. Đến nay, phong trào ấy vẫn vẹn nguyên giá trị. Và mãi mãi về sau, đây sẽ là kim chi nam, hướng mỗi cá nhân, tập thể tới những điều tốt đẹp, từ đó gắn kết khối đại đoàn kết dân tộc, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ trong các giai đoạn phát triển của đất nước.
Khát vọng Việt Nam
Sứ mệnh cao cả của các hoạt động thi đua là làm cho con người ngày càng tiến bộ, trưởng thành và góp phần thúc đẩy xã hội phát triển giàu mạnh, văn minh. Để xây dựng khát vọng Việt Nam hùng cường phải bắt đầu từ giấc mơ và nỗ lực của mỗi người, không ngừng học tập, lao động, đổi mới, sáng tạo, cùng một trái tim yêu nước. Những điều đó sẽ nuôi lớn những khát vọng Việt Nam, chinh phục tương lai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!