Tháo gỡ thẻ vàng IUU: Chỉ cần 1 chiếc tàu vi phạm cũng không được gỡ

Tạ Hiển-Thứ ba, ngày 15/08/2023 17:34 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời chất vấn

VTV.vn - Để gỡ thẻ vàng IUU, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng phải giải quyết được câu chuyện "càng cạn kiệt thì càng khai thác, càng khai thác thì càng cạn kiệt".

Gần 60% vi phạm khai thác thủy sản trái phép vẫn chưa được xử lý

Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhiều đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi về giải pháp tháo gỡ thẻ vàng về khai thác thủy sản trái phép (IUU).

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (tỉnh Ninh Bình) nêu rõ, thẻ vàng IUU không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến uy tín, vị thế quan hệ ngoại giao của nước ta. Qua 3 lần đánh giá chúng ta đã chuyển biến tích cực. Nhưng đến nay đã gần 6 năm, nước ta vẫn chưa gỡ được thẻ vàng. Dự kiến, Ủy ban Châu Âu sẽ tiến hành đánh giá lần 4 trong tháng 10 tới và nước ta đặt mục tiêu gỡ thẻ vàng trong lần đánh giá này.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết các giải pháp trong vấn đề này và liệu Việt Nam có thể đạt mục tiêu gỡ thẻ vàng IUU trong lần đánh giá thứ 4 của Ủy ban Châu Âu (EC) vào tháng 10/2023 tới không?

Tháo gỡ thẻ vàng IUU: Chỉ cần 1 chiếc tàu vi phạm cũng không được gỡ - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (tỉnh Ninh Bình) đặt câu hỏi chất vấn

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, mục tiêu cuối cùng là giữ gìn trữ lượng và tính đa dạng sinh học trên vùng biển. Nếu gỡ thẻ vàng nhưng tính bền vững không có thì sẽ bị áp dụng thẻ vàng khác.

"Khi tôi đối thoại với Cao ủy của EU, họ nói nếu gỡ bỏ thẻ vàng, Việt Nam khai thác kiệt quệ tài nguyên thì ai là người thiệt thòi. Công bằng hay không khi người vi phạm hay không vi phạm như nhau" – trưởng ngành nông nghiệp chia sẻ.

Bộ trưởng cho biết, so sánh với Philippines hoặc Thái Lan, cấu trúc ngành hàng của các quốc gia này bền chặt hơn Việt Nam, từ ngư dân tới doanh nghiệp được xây dựng hệ sinh thái ngành hàng. Các nước khác cũng sử dụng các biện pháp rất mạnh, như đánh đắm tàu vi phạm quy định.

"Dù quá trình xây dựng quy định chúng ta đều có tham vấn từ phía EU nhưng họ chưa tin tưởng việc thực thi ở các địa phương. Đây là một khó khăn. Chúng ta phải phối hợp hành động bởi cấu trúc ngành hàng, quản lý xuất nhập khẩu của chúng ta còn ít. Thực trạng chỉ có 20% trong hội nghề cá còn 80% là trôi nổi. Chế tài của chúng ta cũng chưa đủ mạnh" – ông Lê Minh Hoan cho biết.

Theo Bộ trưởng Hoan, gần 60% vi phạm ở các địa phương vẫn chưa được xử lý, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chuyển danh sách này tới Thủ tướng Chính phủ.

Tiếp tục chất vấn về vấn đề này trên khía cạnh pháp lý, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (tỉnh Long An) cho biết, Báo cáo giám sát năm 2022 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã chỉ rõ, khung pháp lý của Việt Nam về IUU chưa cụ thể, khó thực hiện… Tuy nhiên trong Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa nêu ra được nhóm giải pháp riêng cho vấn đề này.

Tháo gỡ thẻ vàng IUU: Chỉ cần 1 chiếc tàu vi phạm cũng không được gỡ - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (tỉnh Long An) đặt câu hỏi chất vấn

Về ý kiến này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, tất cả sự thay đổi về chế tài, quy chuẩn, xử phạt, Bộ đều tham vấn phía EU và họ cũng sẵn sàng giúp chúng ta nhưng Bộ sẽ nghiên cứu lại những quy định bất cập để sửa đổi. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng vẫn đang có sự dễ dãi gây ra hệ lụy đến bây giờ.

"Nếu làm tốt Luật Thủy sản và Nghị định thi hành Luật thì EU không áp thẻ vàng. Tuy nhiên trong từng khâu tổ chức thực hiện tại các cảng cá từ cấp xã đến cấp huyện, Bộ trưởng Bộ cũng không đủ khả năng" – ông Hoàn cho biết.

Giải quyết câu chuyện "càng cạn kiệt thì càng khai thác, càng khai thác thì càng cạn kiệt"

Bày tỏ thống nhất với Bộ trưởng Lê Minh Hoan về việc "gỡ thẻ vàng" không chỉ là mục tiêu duy nhất mà quan trọng là cải thiện môi trường biển, tuy nhiên, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng với thực trạng hiện nay, vì lợi ích kinh tế, vì mưu sinh, việc đánh bắt thủy hải sản hiện nay đã làm cho nguồn lợi thủy sản cạn kiệt, môi trường biển bị ảnh hưởng.

Tháo gỡ thẻ vàng IUU: Chỉ cần 1 chiếc tàu vi phạm cũng không được gỡ - Ảnh 3.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đặt câu hỏi chất vấn

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết cùng với giải pháp để chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, đánh bắt trái phép, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có tính tới việc quy định đánh bắt hải sản theo mùa, theo đặc tính sinh sản, sinh trưởng của thủy hải sản?

Về giải quyết, chấm dứt vi phạm trên biển, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu rõ, chỉ cần một chiếc tàu vi phạm là không gỡ "thẻ vàng". Theo Bộ trưởng, nếu không cấu trúc lại ngành thủy sản, không đẩy mạnh nuôi trồng, không đẩy mạnh bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là trong các khu bảo tồn thì cứ mãi mãi câu chuyện tranh chấp về tài nguyên và các ngư dân.

Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo chính quyền địa phương cùng đối thoại để tìm hướng nghề nghiệp, hỗ trợ cho ngư dân, giải quyết được câu chuyện "càng cạn kiệt thì càng khai thác, càng khai thác thì càng cạn kiệt".

"Nhiều người dân nói với chúng tôi là biết vi phạm nhưng đã quen ‘cha truyền con nối’ trên biển. Họ quen như vậy, thậm chí chưa biết chữ cũng lên tàu làm sao kỹ năng đi biển tốt được. Chúng ta phải làm tốt hơn nữa ngư nghiệp, ngư dân, ngư trường" – Bộ trưởng Hoan cho biết.

Tháo gỡ thẻ vàng IUU: Chỉ cần 1 chiếc tàu vi phạm cũng không được gỡ - Ảnh 4.

Quang cảnh phiên chất vấn

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (tỉnh Hưng Yên) nêu ra một trong những nguyên nhân chưa gỡ được cảnh báo thẻ vàng là số lượng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn xảy ra. Việc theo dõi, kiểm soát tàu cá còn có bất cập. Tình trạng tàu cá mất tín hiệu kết nối dài ngày chiếm khoảng trên 15% so với tổng số lượng tàu cá đã được lắp đặt hệ thống giám sát.

Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và giải pháp để khắc phục tình trạng trên, qua đó góp phần sớm gỡ được cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban châu Âu?

Về tình trạng này, trưởng ngành nông nghiệp nhấn mạnh điều quan trọng nhất là tăng cường kiểm tra đầu vào từng chiếc tàu ra khơi, kiểm tra từng thiết bị giám sát hành trình. Ngoài ra tăng cường kiểm tra, truy xuất nguồn hàng của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải từ chối thu mua chế biển xuất khẩu nguồn hàng, nguyên liệu của tàu vi phạm, tắt thiết bị hành trình.

"Khi các địa phương truy vấn, bà con nói do trên biển không có sóng, thiết bị hư nhưng khi tổ chức đối thoại nhà cung cấp với bà con thì không phải như vậy" – Bộ trưởng chia sẻ và cho rằng các địa phương vẫn lúng túng trong xử phạt vấn đề này.

Ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh cần tăng cường sự minh bạch, thay đổi cách quản trị càng siết chặt đầu và quan trọng hơn là đầu ra, sự vào cuộc của hiệp hội ngành hàng thì mới có thể giải quyết thành công vấn đề kỹ thuật trên biển.

Nghiêm túc kiểm điểm nếu để xảy ra sai phạm về chống khai thác IUU Nghiêm túc kiểm điểm nếu để xảy ra sai phạm về chống khai thác IUU

VTV.vn - UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển nghiêm túc kiểm điểm những tổ chức, cá nhân nếu để xảy ra sai phạm về chống khai thác IUU.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước