Bộ trưởng NN&PTNT: Chuyển đổi đất đai là sự đánh đổi

Thuỳ An-Thứ ba, ngày 15/08/2023 16:01 GMT+7

VTV.vn - Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh quan điểm quỹ đất là hữu hạn trong khi nhu cầu phát triển là vô hạn.

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 25, chiều nay (15/8), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT).

Chất vấn tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hóa) cho biết, đất đai, đặc biệt là đất trồng lúa có vai trò rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp và vấn đề đảm bảo an ninh lương thực nước ta…

Đại biểu Lê Thanh Hoàn đề nghị Bộ trưởng làm rõ đến hiện tại đã có quy hoạch và chốt được vị trí các khu vực đất lúa để cấm không cho phép chuyển nhượng, chuyển đổi sang mục đích khác để người dân yên tâm canh tác, cải tạo đất, tăng năng suất, tăng sản lượng thóc gạo, góp phần đảm bảo an ninh lương thực của Việt Nam trong thời gian tới.

Bộ trưởng NN&PTNT: Chuyển đổi đất đai là sự đánh đổi - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông Lê Minh Hoan trả lời phiên chất vấn chiều 15/8

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông Lê Minh Hoan cho biết, cách đây 10 năm quy mô đất lúa nước ta khoảng trên 4 triệu hecta. Hiện tại, theo số liệu thống kê, đất lúa còn 3,93 triệu hecta. Theo Nghị quyết Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ là chúng ta sử dụng linh hoạt 5 triệu hecta đất lúa. Bộ trưởng làm rõ, linh hoạt ở đây có nghĩa là để đảm bảo an ninh lương thực và để sự phát triển kinh tế - xã hội thì cũng phải dành một quỹ đất nông nghiệp, trong đó có đất lúa.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, quy hoạch đất lúa nằm trong quy hoạch đất đai và Bộ TN&MT đang xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi). Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng các địa phương đều đã ổn định diện tích lúa, trong quy hoạch của tỉnh cũng đã phân khu vực dành cho đất nông nghiệp, đất lúa.

Tất nhiên, mọi quy hoạch không thể đứng yên bởi sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Song quan điểm là cố gắng giữ gìn bởi chuyển đổi đất đai là sự đánh đổi. Đánh đổi có thể là ngang giá, có thể lời trước mắt hoặc lâu dài bởi quỹ đất là hữu hạn trong khi nhu cầu phát triển là vô hạn.

"Do đó, tôi đề nghị các địa phương, doanh nghiệp khi chuyển đổi đất lúa thì không có nghĩa là bao nhiêu sản lượng lúa hay bao nhiêu con người trồng trên đất lúa đó. Nó là một chuỗi ngành hàng ở phía sau sản lượng lúa đó: Doanh nghiệp chế biến, thương mại dịch vụ lúa gạo… Các bộ ngành, cùng các địa phương cần phân tích những tình huống khi nào chúng ta chuyển đổi khi nào chúng ta không chuyển đổi. Cần cân nhắc giữa phát triển và giữ gìn", Bộ trưởng Lê Minh Hoàn đề xuất.

Bộ trưởng NN&PTNT: Chuyển đổi đất đai là sự đánh đổi - Ảnh 2.

Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh quan điểm quỹ đất là hữu hạn trong khi nhu cầu phát triển là vô hạn

Giá lúa gạo tăng: Bình tĩnh để nhận định trước mặt trái

Cũng trong phiên chất vấn chiều nay, nội dung liên quan tới giá lúa gạo, vấn đề đảm bảo an ninh lương thực được nhiều đại biểu đặt câu hỏi.

Đại biểu Lê Thị Song An (đoàn Long An) nêu vấn đề, thời gian gần đây giá lúa gạo tăng cao tạo lợi thế rất lớn cho thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam, mang lại niềm vui cho bà con nông dân.

Tuy nhiên, do giá lúa liên tục tăng nên nhiều địa phương có tình trạng mua gom lúa gạo ồ ạt gây mất cân đối cung cầu cục bộ, đẩy giá mặt hàng này lên cao bất hợp lý.

Theo đại biểu Song An, điều này dẫn đến những hạn chế trong xuất khẩu, chưa tạo được sự liên kết vững chắc giữa người dân và doanh nghiệp. Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng NN&PTNT cho biết giải pháp cụ thể, hữu hiệu để vừa bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, vừa thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ?

Cùng đặt câu hỏi, đại biểu Tạ Minh Tâm (đoàn Tiền Giang) đề nghị Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương cho biết trách nhiệm và định hướng trong thời gian tới nhằm thúc đẩy hoạt động thu mua, tiêu thụ lúa gạo, gia tăng kim ngạch xuất khẩu của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)?

Bộ trưởng NN&PTNT: Chuyển đổi đất đai là sự đánh đổi - Ảnh 3.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, cần chuyển đổi tư duy mua bán sang tư duy liên kết, hợp tác mới bền vững được

Trả lời các nội dung này, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan nhắc đến vấn đề một số quốc gia ban lệnh cấm xuất khẩu lúa gạo tạo ra sự hồ hởi cho người nông dân.

Tuy nhiên, ông đề nghị chúng ta bình tĩnh bởi mọi vấn đề đều phát sinh mặt trái, nếu không quản lý tốt, nếu chỉ phân tích một khía cạnh, một phía, thì sẽ không có được cái nhìn toàn diện. Đặc biệt, ông cho rằng, chúng ta phải lo an ninh lương thực, không gây sốc cho thị trường nội địa do giá gạo tăng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhắc đến Công điện của Thủ tướng Chính phủ mới đây đã nêu rõ, ưu tiên hiện tại là đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đẩy mạnh xuất khẩu lương thực như một cam kết có trách nhiệm với thế giới về vấn đề an ninh lương thực, đồng thời cũng không gây sốc cho thị trường nội địa, hay làm ảnh hưởng tới giá tiêu dùng trong nước. Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT đang quán triệt để thực hiện tốt Công điện này.

Về thực tế giá lúa gạo bị đẩy lên cao, Bộ trưởng phân tích giá nông sản quyết định bởi cung cầu, cầu tăng mà cung không tăng thì giá sẽ lên. Nhưng ngoài bài toán cung cầu còn tình trạng cố tình đẩy giá, gây ảnh hưởng lớn.

"Tôi mong bà con nông dân và doanh nghiệp phải tôn trọng nhau, chia sẻ với nhau về thời cơ, mua bán không chỉ vì vấn đề được lợi trước mắt", ông Hoan nói.

Bộ trưởng NN&PTNT phân tích 20% diện tích lúa ở ĐBSCL có liên kết, còn 80% nằm ngoài liên kết nên không kiểm soát được. "Chúng ta phải chuyển từ tư duy mua bán sang tư duy liên kết, hợp tác mới bền vững được", Bộ trưởng Hoan nói.

Bộ trưởng NN&PTNT cho hay, nếu tính một năm có 365 ngày, ở ĐBSCL ngày nào cũng "xuống giống", lúc nào cũng có lúa trên đồng. "Chúng tôi có thể cùng địa phương tăng vụ nếu cần thiết" - ông nói.

Theo đó, nếu không có thiên tai, chúng ta hoàn toàn đủ tiêu dùng trong nước và có 7-8 triệu tấn lúa để xuất khẩu.

Giá lúa theo quy luật cung cầu nhưng cần quan tâm đến tác động ngoài cung cầu như việc đẩy giá. Lúc này bà con nông dân phải tôn trọng nhau, chia sẻ với nhau.

Về việc dự báo thị trường, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, nông nghiệp Việt Nam gắn với "3 chữ biến" nên tính dự báo cũng khó cầu toàn. 3 chữ biến đó là: Biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển với xu thế tiêu dùng của thế giới theo hướng xanh, bền vững.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước