Ban Bí thư đã ban hành Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Qua đó giúp Ban chỉ đạo cấp tỉnh đề ra phương hướng hoạt động hiệu quả, trách nhiệm, đáp ứng nhiệm vụ quan trọng.
Với việc ban hành Quy định gồm 4 Chương, 18 điều có thể thấy, tới đây, hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh phòng, chống tham nhũng tiêu cực sẽ thực sự bài bản, có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan chức năng nhưng vẫn phân vai rõ ràng và đi kèm với đó các cơ chế chịu trách nhiệm cũng như báo cáo tình hình hoạt động thực sự chặt chẽ.
Một trong những điểm nhấn của quy định này đó chính là Ban Chỉ đạo cấp tỉnh phải chịu trách nhiệm và chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương. Thực tế, những tháng vừa qua, ngay trong quá trình chủ trương này được thảo luận ở Trung ương, đã có một sự hưởng ứng mạnh mẽ từ các địa phương, thể hiện qua sự chủ động, tích cực vào cuộc đối với các vụ việc xảy ra tại địa phương mình.
Đầu tháng 5, khi Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng Lê Minh Trung có dấu hiệu vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm thì chỉ 3 tuần sau, thông tin được xác minh, ông Trung đã bị cách tất cả các chức vụ trong Đảng. Cũng trong tháng 5, ông Đàm Quang Hưng, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng đã bị bắt tạm giam 4 tháng về hành vi nhận hối lộ. Sự chủ động trong xử lý tham nhũng, tiêu cực không chỉ ở Đà Nẵng mà còn ở nhiều địa phương khác trong cả nước đã củng cố lòng tin của đảng viên và nhân dân.
Việc xử lý các cán bộ vi phạm diễn ra khi thành phố Đà Nẵng vừa thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng tiêu cực đã cho thấy, tinh thần nhất hô bá ứng, dọc ngang thông suốt của Trung ương đã xuống tới từng địa phương. Trên nóng thì dưới cũng phải nóng. Trung ương đã quyết liệt thì địa phương cũng phải quyết liệt theo. Không còn chuyện chờ đợi, trùng trình để chìm xuồn; hay ngại xử lý vì chi phối bởi những mối quan hệ tại địa phương mà đẩy hết lên Trung ương.
Quy định mới được Ban Bí thư ban hành sẽ cho phép việc chỉ đạo, lãnh đạo của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thông suốt và với tinh thần trách nhiệm cao. Cứ có dấu hiệu vi phạm là phải chỉ đạo xử lý. Không thể không làm, không thể đứng ngoài cuộc, đồng thời giảm bớt tình trạng "cua cậy càng, cá cậy vây" như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn hay nhắc nhở.
Nhìn vào thực tế, khi có vụ việc, ai chịu trách nhiệm là câu hỏi được quan tâm. Nếu không quy trách nhiệm cụ thể thì một chủ trương dù rất tốt lại không phát huy hiệu quả bởi có làm hay không thì cũng chẳng sao, chẳng ai phải chịu trách nhiệm. Thế nhưng, lần này, với quy định rất cụ thể đối với Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố, có tới 11 lần những từ "chịu trách nhiệm" được nhắc đến. Việc quy trách nhiệm cụ thể sẽ là sự ràng buộc để không ai có thể đứng ngoài cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực. Vì vậy chủ trương này đang nhận được sự ủng hộ rất lớn từ đảng viên và nhân dân.
Cùng với việc Ban Bí thư ban hành quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy thì Ban Nội chính Trung ương đã có văn bản hướng dẫn các địa phương thành lập Ban chỉ đạo trong thời gian sớm nhất. Những động thái quyết liệt khẩn trương từ Trung ương đến địa phương là những tín hiệu để cán bộ đảng viên và người dân tin tưởng cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, toàn diện với phương châm nhất quán "không có vùng cấm", không chùng xuống"…
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!