Thủ tướng: Không được quên "kinh nghiệm xương máu" khi chưa có vaccine

Lan Chi-Thứ ba, ngày 05/07/2022 12:24 GMT+7

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo. Ảnh: TTXVN.

VTV.vn- Tại phiên họp lần thứ 15 của BCĐ Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, TTg Phạm Minh Chính nêu rõ, phòng dịch vẫn là cơ bản, chiến lược lâu dài, vaccine là vũ khí quyết định.

Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát tại nhiều nước, sáng nay, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã họp phiên thứ 15 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo. Phiên họp được kết nối trực tuyến với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của 63 tỉnh, thành trên cả nước.

Không thể lơ là, chủ quan trước diễn biến dịch bệnh

"Chúng ta không bao giờ quên được những ngày tháng khó khăn"

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá về tình hình dịch bệnh trên thế giới, khu vực và trong nước, những diễn biến mới, khác, những điểm phức tạp, những kết quả đạt được, những mặt chưa được, phân tích các nguyên nhân, đưa ra mục tiêu, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, giải pháp để tiếp tục cuộc chiến chống COVID-19 thời gian tới.

Vừa qua, đã xuất hiện biến chủng mới ở nhiều nước trên thế giới và trong khu vực, có nước xuất hiện hàng trăm nghìn ca mắc mới mỗi ngày, trong khi kinh nghiệm cho thấy các nước phát triển thường bùng phát dịch trước Việt Nam khoảng vài tháng.

Ở trong nước, vẫn có nơi, có lúc còn lơ là, chủ quan sau khi tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, đặc biệt là tốc độ tiêm vaccine còn chậm, chưa đạt mục tiêu đề ra, trong đó có việc tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi và mũi thứ 3 cho người từ 12 đến 17 tuổi, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã liên tục chỉ đạo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, phòng dịch vẫn là cơ bản, chiến lược lâu dài, quyết định, phòng dịch tốt thì không phải chống dịch... Trong đó, thực tiễn cho thấy vaccine vẫn là vũ khí quyết định, cùng với việc củng cố, nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở. Việc tiêm vaccine là quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người để bảo vệ chính mình, gia đình và cộng đồng.

Thủ tướng: Không được quên kinh nghiệm xương máu khi chưa có vaccine - Ảnh 2.

Ảnh: TTXVN.

Thủ tướng cũng nhắc lại "kinh nghiệm xương máu" khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhanh, khó lường, chưa tiếp cận được vaccine do vaccine khan hiếm trên toàn cầu, chưa có nhiều kinh nghiệm phòng, chống dịch, năng lực y tế hạn chế, chúng ta buộc phải dùng các biện pháp hành chính để chống dịch, vừa lúng túng, bị động, vất vả, vừa nhiều mất mát, hy sinh, vừa ảnh hưởng tới các hoạt động kinh tế, xã hội. "Xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, chúng ta không bao giờ quên được những ngày tháng khó khăn như vậy", Thủ tướng nói.

Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tuyệt đối không được lơ là, chủ quan với đại dịch, đẩy mạnh tiến độ tiêm vaccine, đây cũng là quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi người dân đối với chính mình, người thân, gia đình và xã hội. Thực hiện tốt 3 trụ cột chống dịch là xét nghiệm, cách ly, điều trị và công thức: 2K + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác. Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế có giải pháp đánh giá miễn dịch cộng đồng trên toàn quốc để có giải pháp phù hợp, đồng thời phải coi trọng việc phòng chống các dịch bệnh khác.

Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp

Theo báo cáo của Bộ Y tế, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó lường và đã bùng phát trở lại tại một số quốc gia với sự xuất hiện của biến thể BA.5 của chủng Omicron. Các ý kiến tại phiên họp đều thống nhất nhận định: dù Việt Nam đã kiểm soát được cơ bản dịch bệnh, các hoạt động đang trên đà trở lại bình thường, việc phục hồi và phát triển kinh tế đạt được những kết quả tương đối toàn diện nhưng tốc độ tiêm chủng vaccine vẫn còn chậm, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã liên tục chỉ đạo. Có tình trạng tồn đọng nhiều vaccine tại Trung ương và các địa phương, dẫn tới nguy cơ hết hạn.

Tính đến ngày 4/7/2022, tổng số ca mắc trên thế giới vượt 554 triệu ca, trên 6,3 triệu ca tử vong. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật châu Âu (ECDC) khuyến cáo các quốc gia cần duy trì các biện pháp ứng phó, như tiêm vaccine tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh, tăng cường hệ thống giám sát trọng điểm.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các vaccine được cấp phép lưu hành hiện nay vẫn có giá trị bảo vệ cao, làm giảm nguy cơ chuyển nặng đối với tất cả các biến thể SARS-CoV-2 (bao gồm cả biến thể phụ BA.5). Do đó, các quốc gia cần duy trì các biện pháp ứng phó, như tiêm vaccine tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh, bảo vệ bệnh trở nặng.

Thủ tướng: Không được quên kinh nghiệm xương máu khi chưa có vaccine - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên báo cáo về tình hình dịch COVID-19, tỉ lệ tiêm vaccine... tại phiên họp. Ảnh: VGP.

Tại Việt Nam, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước ghi nhận 9.014.374 ca mắc (83,9%), 8.317.083 người đã khỏi bệnh (92,3%), 10.693 ca tử vong (0,1%). Tích lũy đến nay, cả nước ghi nhận 10.748.639 ca mắc, có 9.708.984 người khỏi bệnh (90,3%), 43.087 ca tử vong (0,4%).

Đến hết ngày 3/7/2022, Việt Nam đã tiêm được hơn 233 triệu liều vaccine phòng COVID-19 (tỉ lệ sử dụng đạt 97,3%). Nhóm đối tượng từ 18 tuổi trở lên có tỉ lệ tiêm các mũi 1, 2, 3, 4 tương ứng xấp xỉ 100%, 100%, 67,6% và 31,1%; trẻ em từ 12-17 tuổi tiêm các mũi 1, 2, 3 đạt tỉ lệ xấp xỉ 100%, 98,7% và 10,6%; trẻ từ 5 đến 11 tuổi tiêm các mũi 1, 2 đạt tỉ lệ xấp xỉ 52,6% và 20,3%.

Hiện nay, Việt Nam là một trong số những quốc gia có tỉ lệ tiêm vaccine cao nhất thế giới: Tỉ lệ bao phủ mũi 2 trên tổng dân số đạt xấp xỉ 80%, vượt 30% so với mục tiêu của WHO; tỉ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên cao gấp đôi tỉ lệ trung bình trên thế giới; tỉ lệ tiêm liều cơ bản cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi cao hơn một số quốc gia chấu Âu như Ý, Đức, Mỹ, Đan Mạch, Ba Lan...

Tuy nhiên, Bộ Y tế đánh giá tốc độ tiêm chủng vaccine COVID-19 vẫn còn chậm, nhất là tiêm mũi 3, mũi 4 cho người trên 18 tuổi và tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Theo Bộ Y tế, trên thế giới, biến thể phụ BA.5 của Omicron đã ghi nhận tại nhiều quốc gia và đã xuất hiện tại Việt Nam. Biến thể phụ này có khả năng lây lan nhanh hơn 12% so với biến thể phụ BA.2 (biến thể phụ phổ biến tại Việt Nam hiện nay).

Do đó, trong thời gian tới các ca nhiễm biến thể phụ BA.5 có thể ghi nhận nhiều hơn trong cộng đồng ở nước ta. Như vậy, số ca mắc có thể gia tăng trong thời gian tới do sự xuất hiện của biến thể phụ BA.5.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước