Sáng 15/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến sơ kết về công tác phòng, chống dịch COVID-19 với các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ và triển khai thực hiện Nghị quyết số 86 ngày 06/8/2021 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.
Theo báo cáo tại hội nghị, tính đến 15/8, trên thế giới đã có trên 200 triệu người mắc COVID-19. Đáng chú ý, chỉ trong 6 tháng qua, số ca mắc mới đã tăng gấp 2 lần với 46 triệu ca, chiếm 22% tổng ca mắc toàn cầu kể từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát. Cũng theo báo cáo, 6 tháng qua đã có 1,6 triệu ca tử vong, chiếm 36,7% tổng số ca tử vong do COVID-19 từ trước đến nay.
Báo cáo tại hội nghị, đại diện nhiều địa phương cho biết, sau 26 ngày thực thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16, 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam ghi nhận hơn 216.000 ca mắc và số ca mắc mới sàng lọc cộng đồng bắt đầu xu hướng giảm tại một số nơi.
Các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng và đưa vào sử dụng các ứng dụng công nghệ vào giám sát, hỗ trợ điều trị, chăm sóc người bệnh, tiêm chủng vaccine. Chủ động hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, tổ chức các hệ thống bán hàng thiết yếu, phối hợp triển khai "luồng xanh" quốc gia đồng thời thực hiện các chính sách an sinh, hỗ trợ người bị ảnh hưởng.
Bên cạnh việc đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt, hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng, các bộ ngành, các địa phương cho biết đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp ngăn chặn dịch lây lan, mở rộng xét nghiệm nhanh cũng như khoanh vùng ổ dịch nhằm quyết tâm tách F0 ra khỏi cộng đồng.
Tuy nhiên, các ý kiến đánh giá, việc thực hiện Chỉ thị 16 tại một số nơi, một số thời điểm chưa nghiêm, chưa đầy đủ, chưa dứt khoát, chưa thực chất, chưa thống nhất. Việc triển khai "4 tại chỗ" tại nhiều địa phương chưa triệt để, thiếu chủ động khi dịch bệnh xảy ra và vẫn còn tâm lý chủ quan, lơ là trước diễn biến dịch bệnh.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh hàng loạt giải pháp cụ thể để kiểm soát dịch bệnh nhanh nhất có thể, quyết không để khủng hoảng y tế, khủng hoảng kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin chiến thắng và kêu gọi sự vào cuộc, ủng hộ của nhân dân, doanh nghiệp để vượt qua đại dịch, nhanh chóng đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, sau thời gian thực hiện Chỉ thị 16, 23 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tình hình đã đạt được một số kết quả tích cực, đạt một số mục tiêu đề ra. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng biểu dương, cảm ơn sự nỗ lực, cố gắng của các cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị các cấp đã hết sức trách nhiệm vì nhân dân, làm việc quên ngày đêm, đặc biệt là sự vào cuộc, hưởng ứng, đồng lòng của nhân dân và doanh nghiệp. Có nhân dân tham gia, ủng hộ, thực hiện nghiêm các quy định, hướng dẫn thì mới có kết quả. Thủ tướng chia sẻ "Chiến thắng dịch bệnh hay không thì lòng dân, sự tham gia của người dân có tính chất quyết định, người dân là chủ thể, là trung tâm của công tác phòng chống dịch".
Tuy nhiên, tình hình vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, nhất là tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Thủ tướng yêu cầu các địa phương căn cứ diễn biến thực tế để đánh giá, xác định tình hình và có giải pháp ứng phó phù hợp theo Nghị quyết 86 của Chính phủ với nhiều hướng dẫn chỉ đạo rất cụ thể.
Tiếp tục quán triệt tinh thần "chống dịch như chống giặc", đây là ưu tiên số 1 trên phạm vi cả nước trong lúc này, nhưng nơi nào an toàn vẫn phải duy trì sản xuất và sản xuất thì phải đảm bảo an toàn. Thủ tướng yêu cầu các địa phương đưa ra lộ trình, mục tiêu, biện pháp cụ thể để hoàn thành hiệu quả việc giãn cách, đã hy sinh thực hiện giãn cách thì phải có kết quả chứ để kéo dài thì chống dịch không dứt điểm mà kinh tế - xã hội cũng không phát triển được và không có nguồn lực để chống dịch.
Trong điều kiện vaccine khan hiếm, thuốc đặc trị chưa nhiều thì giãn cách xã hội vẫn là giải pháp hiệu quả nhất. Nhưng khi thực hiện thì phải nghiêm, phải cách ly triệt để giữa người với người, "ai ở đâu thì ở đó".
Thủ tướng yêu cầu, khi đã thực hiện Chỉ thị 16 thì phải phong tỏa nghiêm ngặt, chặt chẽ và phải dập được các ổ dịch. Thần tốc xét nghiệm trên diện rộng để nhanh chóng phát hiện nguồn lây, tách bằng được tất cả các F0 khỏi cộng đồng, phân loại và có phương án điều trị phù hợp. Lưu ý thực hiện xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm khoa học, hiệu quả, tránh lãng phí và đảm bảo an toàn. Riêng với TP Hồ Chí Minh, Bình Dương tiến hành xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm theo yếu tố dịch tễ, phù hợp tình hình hoặc xét nghiệm diện rộng nếu điều kiện cho phép.
Về thực hiện chủ trương "4 tại chỗ", Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 30, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 86 tạo điều kiện tối đa về quy trình, thủ tục về đầu tư, mua sắm trang thiết bị, sinh vật phẩm y tế phòng chống dịch. Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo địa phương phải kịp thời triển khai mua sắm, bảo đảm điều kiện phòng, chống dịch trên địa bàn.
Thủ tướng yêu cầu các cơ sở điều trị bảo đảm các điều kiện về môi trường, oxy y tế, thuốc, trang thiết bị, vật tư và nhân lực y tế. Bộ Y tế rà soát, hoàn thiện các quy định về chăm sóc, điều trị người nhiễm bệnh và những người nghi nhiễm đang cách ly.
Đặc biệt, để giảm tỷ lệ tử vong, Thủ tướng gợi ý một số biện pháp để Bộ Y tế và các địa phương nghiên cứu, xem xét, có hướng dẫn cụ thể như ưu tiên tiêm, bao phủ vaccine cho các đối tượng trên 50 tuổi, nghiên cứu có điểm tiêm riêng cho người cao tuổi; giảm số ca mắc, hướng dẫn cụ thể về việc cần làm để duy trì vùng xanh bền vững; loại bỏ ngay các giấy tờ thủ tục hành chính với các trường hợp nhập viện cấp cứu, nhập viện trước, làm thủ tục sau; Bộ Y tế hướng dẫn, tập huấn, hỗ trợ từ xa, nâng cao năng lực bệnh viện tuyến huyện, nơi gần người bệnh nhất; tăng cường trang thiết bị, oxy, giường ICU, trang thiết bị y tế…
Các địa phương căn cứ tình hình dịch bệnh ở từng địa bàn và điều kiện cụ thể của từng trường hợp, chủ động thực hiện cách ly F0, F1 tập trung hoặc thí điểm cách ly F0 không có triệu chứng, F1 tại nhà để giảm tải hệ thống y tế thông qua các tổ y tế nhằm đảm bảo an toàn, không để lây nhiễm chéo (nếu cách ly tập trung) và lây lan ra gia đình và cộng đồng (nếu cách ly tại nhà). Đối với địa bàn ít ca mắc vẫn phải cách ly tập trung. Tăng cường kiểm tra để thực hiện thật chặt, thật nghiêm công tác này.
Về thí điểm cách ly F0 không có triệu chứng, F1 tại nhà, Thủ tướng giao Bộ Y tế tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, kinh nghiệm thực tiễn của TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh để xây dựng, hoàn thiện tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện, quy trình, cách thức để an toàn, hiệu quả nhất và có cách tiếp cận y tế sớm nhất khi cần thiết.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục tham khảo kinh nghiệm và thực tiễn trong nước thời gian qua để tiếp tục hoàn thiện tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện, quy trình xác định khi nào có dịch, khi nào kiểm soát được dịch, khi nào hết dịch và khi nào chưa có dịch, trên cơ sở đó các địa phương áp dụng các chỉ thị hiệu quả kịp thời, trên tinh thần sớm hơn cao hơn, chứ không được thấp hơn, chậm hơn.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương tổ chức các kênh, nhân lực ứng trực 24/24 để kịp thời tiếp nhận, xử lý các phản ánh, yêu cầu của người dân. Hỗ trợ cung cấp ngay lương thực, thực phẩm cho tất cả những người lao động nghèo, mất thu nhập, không còn dự trữ; không để ai thiếu ăn thiếu mặc, đáp ứng các nhu cầu y tế của mọi người dân ở mọi lúc, mọi nơi. Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội chỉ đạo triển khai nhanh các chính sách bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân, kịp thời cập nhật đối tượng cần hỗ trợ. Về việc mai táng cho bệnh nhân tử vong do COVID-19, Chính phủ và các địa phương sẽ vận dụng mức tối đa có thể theo các quy định của pháp luật và khả năng của từng địa phương.
Thủ tướng đề nghị, các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ về bảo đảm giao thông vận tải; rà soát, bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp; tăng cường phối hợp tốt với các Bộ và địa phương liên quan, thống nhất thực hiện các biện pháp kiểm soát, tạo điều kiện cho việc vận tải, lưu thông hàng hóa trên địa bàn, nhất là hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch, phục vụ đời sống nhân dân và nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa xuất khẩu.
Về vaccine, Thủ tướng yêu cầu tăng cường thông tin truyền thông, quán triệt đến người dân tinh thần vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất; khắc phục ngay tình trạng kén chọn, chờ đợi trong khi vaccine đang rất khan hiếm trên thế giới.
Thủ tướng đề nghị lực lượng công an, quân đội vào cuộc tích cực hơn nữa để nắm tình hình, "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng", vận động người dân chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Về công tác thông tin, truyền thông, Thủ tướng yêu cầu phải bảo đảm kịp thời, công khai, minh bạch để người dân nhận thức đầy đủ mức độ nguy hiểm của dịch bệnh; tăng cường các thông tin tích cực, tránh các thông tin xấu độc, bịa đặt, xuyên tạc, đặc biệt tăng cường thông tin về các kiến thức phòng chống dịch.
Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì cùng các cơ quan liên quan thúc đẩy chuyển đổi số; hoàn thành các nền tảng công nghệ trên cơ sở dữ liệu dùng chung, cung cấp các công cụ để các bộ ngành, địa phương sử dụng; đo các chỉ số di chuyển hằng ngày ở các địa phương để biết được người dân di chuyển thế nào khi thực hiện Chỉ thị 15, 16.
Thủ tướng yêu cầu tổ chức năm học mới phù hợp tình hình, nghiên cứu kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em. Đồng thời đẩy mạnh ngoại giao vaccine, sản xuất thuốc và vaccine trong nước. Lãnh đạo các tỉnh, thành phố phải gặp gỡ và giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp tại địa phương. Các Phó Thủ tướng, các bộ ngành chủ động xử lý các kiến nghị của địa phương.
Nhắc lại Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa" để chiến thắng đại dịch, Thủ tướng nhấn mạnh: Việc phong tỏa chặt ổ dịch, xét nghiệm thần tốc, phát hiện nguồn lây để cách ly toàn bộ khỏi cộng đồng là rất quan trọng; an sinh xã hội là trọng yếu, thường xuyên; giảm ca tử vong là ưu tiên hàng đầu; lưu thông hàng hóa phải kịp thời, thông suốt; phối hợp giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân phải chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!