Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại với nông dân cả nước

Ban Thời sự/TTXVN-Chủ nhật, ngày 29/05/2022 12:14 GMT+7

Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại với nông dân. (Ảnh: TTXVN)

VTV.vn - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân.

Sáng nay (29/5), tại tỉnh Sơn La, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp đối thoại với nông dân, với sự tham gia của 200 nông dân tiêu biểu đại diện cho hơn 10,2 triệu hộ hội viên nông dân cả nước qua hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Đây là diễn đàn để các đại diện nông dân, các hợp tác xã nông nghiệp, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân nhà khoa học hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong cả nước trực tiếp phản ánh với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại với nông dân cả nước - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân. (Ảnh: TTXVN)

* Hơn 1.600 câu hỏi gửi tới Thủ tướng Chính phủ

Phát biểu khai mạc Đối thoại, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho biết, hướng tới hội nghị này, đã có hơn 1.600 câu hỏi, đề xuất, kiến nghị của nông dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp và các nhà khoa học được gửi tới Thủ tướng Chính phủ. Các nội dung tập trung vào các nhóm vấn đề như: nhóm giải pháp nhằm khôi phục sản xuất nông nghiệp sau dịch COVID-19; vấn đề đất đai và cơ chế để những người nông dân, hợp tác xã được giao đất lâu dài, ổn định sản xuất; tình trạng sốt đất, trong đó có sốt đất nông nghiệp ở các địa phương; thúc đầy chuỗi liên kết giữa nhà nông - doanh nghiệp; vốn, tín dụng; môi trường ở nông thôn; đào tạo nghề cho lao động nông thôn, xây dựng hình ảnh người nông dân văn minh; thúc đẩy du lịch nông thôn, đảm bảo giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; vấn đề di cư lao động và giải pháp để ly nông nhưng không ly hương; tình trạng biến đổi khí hậu ở Đồng bằng Sông Cửu Long; cơ sở hạ tầng vùng Tây Bắc; phát triển và giữ rừng; ứng dụng khoa học, công nghệ; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn...

Trong  quá trình đối thoại, các nông dân đã trực tiếp đặt câu hỏi cho Thủ tướng liên quan đến nhiều vấn đề nóng trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay như: giải pháp khôi phục sản xuất nông nghiệp sau dịch COVID-19, trong bối cảnh tình hình giá cả vật tư nông nghiệp đầu vào tăng cao; thúc đẩy chuỗi liên kết các nhà; việc tiếp cận nguồn vốn, đào tạo nguồn nhân lực, kết nối giao thông.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo 10 bộ, ngành đã trực tiếp đối thoại, trả lời 14 câu hỏi, nhóm câu hỏi của nông dân tại Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hà Nam, Sơn La, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Cần Thơ, Lào Cai và của đại diện các hợp tác xã nông nghiệp, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học.

Các đối thoại tập trung làm rõ các vấn đề liên quan đến quản lý, sử dụng đất; ổn định giá vật tư nông nghiệp; đảm bảo đầu ra cho nông sản; hỗ trợ vốn cho các hộ nông dân, doanh nghiệp đầu tư, mở rộng sản xuất; xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam; chính sách hỗ trợ nông dân phục hồi sản xuất sau đại dịch COVID-19; chuyển đổi số trong nông nghiệp; hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo trong nông nghiệp; đào tạo nghề cho, việc làm cho nông dân ly nông không ly hương; quy hoạch phát triển các cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ đào tạo cán bộ quản lý hợp tác xã; bảo hiểm nông nghiệp; ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn; giải pháp phát triển đô thị ngay tại nông thôn; phát triển hệ thống giao thông miền núi phía Bắc, phát triển Đồng bằng sông Cửu Long...

Thủ tướng cũng xem xét, quyết định các giải pháp, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, trăn trở của nông dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học để xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại với nông dân cả nước - Ảnh 2.

Quang cảnh Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Phát biểu kết luận Hội nghị đối thoại với nông dân cả nước sáng ngày 29/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết các nội dung của cuộc đối thoại xoay quanh 10 vấn đề: Tiêu thụ hàng hóa nông sản; liên kết Nhà nước-nhà khoa học-nhà doanh nghiệp-nhà nông; chuyển đổi số; nâng cao khả năng cạnh tranh; vấn đề xuất khẩu tiểu ngạch; sản xuất theo tín hiệu thị trường; góp cổ phần bằng quyền sử dụng đất; phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; làm chủ đầu vào giống, vật tư nông nghiệp; việc làm ở khu vực nông nghiệp.

Hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là sau khi Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII đã thảo luận, cho ý kiến về nhiều vấn đề lớn, tầm chiến lược về nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Thủ tướng đánh giá cao tinh thần dân chủ, thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn, cởi mở của các đại diện nông dân, các chuyên gia, các doanh nghiệp và đại biểu, đặc biệt là những vấn đề thảo luận rất trúng và thiết thực đối với sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân. Các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, làm rõ, chia sẻ và nhất trí về nhiều vấn đề quan trọng từ định hướng chiến lược, khó khăn, vướng mắc, giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

* Nông dân là chủ thể, trung tâm của quá trình phát triển

Theo Thủ tướng, trong giai đoạn tới, nông nghiệp là một lợi thế của đất nước và còn nhiều tiềm năng, dư địa phát triển. Thực hiện thành công mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phải gắn liền với sự phát triển khu vực nông thôn và nâng cao trình độ của người nông dân. Mục tiêu là phát triển nông nghiệp sinh thái, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Trong khi có nhiều thách thức như: Sự gia tăng rào cản kỹ thuật, bảo hộ ngành nông sản, các chuẩn mực cao trong sản xuất, kinh doanh nông sản; Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chuyển đổi số làm thay đổi căn bản phương thức sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; nhu cầu tiêu dùng chuyển mạnh sang các sản phẩm chất lượng cao, sạch, hữu cơ, an toàn sức khỏe, thân thiện môi trường, gắn với trách nhiệm xã hội; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, tác động trực tiếp sản xuất nông nghiệp, địa bàn nông thôn.

Do đó, Thủ tướng đề nghị quán triệt quan điểm: Nông nghiệp, nông thôn, nông dân là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội; phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị; công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển, mục tiêu cao nhất là lợi ích của người dân, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và người dân nông thôn; xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, văn minh, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, kết nối với đô thị, môi trường xanh, sạch đẹp.

* Tám nhóm nhiệm vụ, giải pháp cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân

Trên cơ sở đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu 8 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu các cấp, ngành phải nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ của người nông dân, nhất là trình độ theo hướng "tri thức hóa nông dân" để làm chủ công nghệ trong sản xuất, kinh doanh và có thể làm giàu từ nông nghiệp; phát triển nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, xây dựng thương hiệu, gắn với chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế.

Thủ tướng cũng cho rằng phải xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa, phát triển công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; có giải pháp giảm nhanh tỷ lệ nghèo ở khu vực nông thôn; tạo cơ hội bình đẳng tiếp cận các nguồn lực phát triển, các dịch vụ cơ bản, nhất là văn hóa, giáo dục, y tế cho nông thôn; tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, cải cách hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân; chú trọng nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất, tạo thuận lợi cho tích tụ ruộng đất, tăng đầu tư của nhà nước cho nông nghiệp, nông thôn, tín dụng ưu đãi.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, cơ quan nhất là Hội nông dân Việt Nam và các đơn vị cơ sở trực tiếp làm việc hàng ngày với người dân, lắng nghe tìm hiểu các nhu cầu, nguyện vọng của người dân, kịp thời có các hỗ trợ, định hướng và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức sản xuất, tiêu thụ, nâng cao giá trị, hiệu quả. Cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là các doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Đẩy mạnh khởi nghiệp trong nông dân, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khu vực nông thôn. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nhân lực, đổi mới đào tạo nghề. Tăng cường ứng dụng thương mại điện tử, góp phần giải quyết căn bản vấn đề tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm. Nâng cao năng lực cung cấp thông tin, dự báo thị trường, qua đó góp phần điều chỉnh sản xuất phù hợp.

"Phải nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên, môi trường gắn với bảo tồn đa dạng sinh học; khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh. Tăng cường đối thoại với nông dân, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, nhất là Hội Nông dân các cấp để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, nắm bắt khó khăn, vướng mắc, kịp thời tháo gỡ, hỗ trợ bà con, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh", Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ, để tiếp tục nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân, để đời sống của nông dân ngày càng ấm no, sung túc hơn và có vị thế xứng đáng./.

Nông dân cần cú hích cơ chế chính sách Nông dân cần cú hích cơ chế chính sách

VTV.vn - Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam lần thứ 4 sẽ được tổ chức ngày 29/5 tại tỉnh Sơn La.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước