Thủ tướng Phạm Minh tiếp ông Akio Yoshida, Chủ tịch điều hành Tập đoàn AEON. Ảnh: TTXVN
* Tại buổi tiếp ông Akio Yoshida - Chủ tịch điều hành Tập đoàn AEON, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những đóng góp tích cực, hiệu quả của AEON trong phát triển lĩnh vực bán lẻ và xuất khẩu tại Việt Nam.
Theo Thủ tướng, Việt Nam có 5 yếu tố nền tảng quan trọng mà AEON và các nhà đầu tư khác có thể mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam đó là: Việt Nam xác định tiêu dùng là một trong những động lực tăng trưởng; có thị trường hơn 100 triệu dân, dân số trẻ và số người trung lưu trở lên ngày càng tăng mạnh, phấn đấu đến năm 2030 trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao; quan hệ Việt Nam - Nhật Bản ngày càng phát triển tốt đẹp; hàng hóa của Nhật Bản được người dân Việt Nam ưa dùng; hàng hóa Việt Nam phong phú, với các thế mạnh về lương thực, thực phẩm, dệt may, da giày… và đang được xanh hóa, phù hợp với xu thế tiêu dùng chung của thế giới.
Thủ tướng Phạm Minh và ông Akio Yoshida, Chủ tịch điều hành Tập đoàn AEON cùng thành viên đoàn. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Chính phủ đề nghị AEON chọn Việt Nam là cứ điểm kinh doanh của Tập đoàn trên thế giới. AEON tiếp tục đầu tư thêm các trung tâm thương mại, các khu Outlet tại những khu vực ngoại thành, kết hợp mua sắm với vui chơi, giải trí; đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại không chỉ ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Thanh Hóa như hiện nay mà mở rộng ra các tỉnh, thành phố và khu vực có thu nhập bình quân đầu người cao, đông dân số, là trung tâm dịch vụ, du lịch như Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thái Nguyên, Nghệ An, Tây Nguyên, Khánh Hòa, An Giang…
Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị AEON tăng cường nhập khẩu, đưa hàng hóa Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là những mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh như dệt may, da giày, thủy hải sản, lương thực, thực phẩm. Việt Nam đang xây dựng thương hiệu cho sản phẩm; đầu tư dịch vụ logistics đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi, giảm giá thành cho các sản phẩm. Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Tập đoàn AEON cấp học bổng cho học sinh, sinh viên và tham gia đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam.
Về phần mình, ông Yoshida cho biết đến nay, Việt Nam là quốc gia mà AEON đầu tư lớn nhất trên thế giới, với hơn 1,18 tỷ USD. AEON đã mở 6 trung tâm thương mại tại các tỉnh, thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế….
Nhất trí với các ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch điều hành AEON khẳng định trong thời gian tới, Tập đoàn sẽ phát triển khoảng 20 trung tâm thương mại tại Việt Nam, tập trung kinh doanh siêu thị và vui chơi giải trí. Bên cạnh đó, AEON cũng mở rộng nhập khẩu hàng hàng Việt Nam để phân phối tại hơn 20.000 trung tâm thương mại tại Nhật Bản. AEON cũng sẽ dành các suất học bổng hỗ trợ Việt Nam trong đào tạo nguồn nhân lực như đề nghị của Thủ tướng.
* Cũng trong sáng 20/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc với Giáo sư Mitsuo Ochi, Hiệu trưởng Đại học Hiroshima; ông Matsumoko Kazuhisa, Tổng Giám đốc Tập đoàn Satake; ông Yamassaka Tetsuro, Chủ tịch Tập đoàn Balcom và Lãnh đạo 7 doanh nghiệp khu vực Trung Nam Nhật Bản.
Thay mặt đoàn, Giáo sư Ochi đã trao đổi về chủ đề thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo nhân lực, phát triển đô thị thông minh, trung hòa carbon, phát triển chất bán dẫn, số hóa nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, xây dựng quy chuẩn sản xuất lúa gạo, ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn…
Thủ tướng Phạm Minh tiếp đại diện đoàn doanh nghiệp vùng Trung Nam Nhật Bản. Ảnh: TTXVN
Giáo sư Ochi mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ của Chính phủ, các bộ ngành và địa phương của Việt Nam để tổ chức các đoàn doanh nghiệp tìm hiểu cơ hội đầu tư, thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực này. Hiệu trưởng Đại học Hiroshima cũng đánh giá cao các lưu học sinh Việt Nam cũng như nguồn nhân lực của Việt Nam nói chung, cho biết đến nay, đã có 343 người Việt Nam tốt nghiệp từ ngôi trường này.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh hoạt động hợp tác của Đại học Hiroshima với Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo nhân lực - một trong những đột phá chiến lược của Việt Nam; cũng như những hoạt động kết nối các doanh nghiệp khu vực Trung Nam Nhật Bản với Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt là trong những lĩnh vực mà Nhật Bản có kinh nghiệm, thế mạnh, và Việt Nam có nhu cầu và tiềm năng.
Việt Nam và Nhật Bản hiện kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, trong bối cảnh quan hệ hai giữa nước đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất từ trước tới nay, trên nền tảng quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng và truyền thống giao lưu, hợp tác từ hàng trăm năm trước. Thời gian qua, lượng người Việt Nam tại Nhật Bản tăng nhanh, hiện đã đạt gần 500 nghìn người.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Chính phủ hai nước luôn ủng hộ các hoạt động hợp tác song phương, trong đó có những hoạt động hợp tác của doanh nghiệp, ngày càng thực chất và hiệu quả. Thủ tướng đánh giá cao sáng kiến của Đại học Hiroshima và các doanh nghiệp khu vực Trung Nam Nhật Bản nhằm thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn, bệnh viện tư nhân.... Thủ tướng mong muốn Đại học Hiroshima nghiên cứu, mở các cơ sở đào tạo, phân hiệu tại Việt Nam.
Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp khu vực Trung Nam Nhật Bản tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka và các bộ, ngành, cơ quan liên quan sớm hiện thực hóa các ý tưởng hợp tác, đầu tư, góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả.
Chính phủ Việt Nam cam kết hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản nói chung và các doanh nghiệp khu vực Trung Nam Nhật Bản nói riêng trong quá trình hợp tác, đầu tư tại Việt Nam.
* Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng tiếp lãnh đạo Tập đoàn Mitsui - thành viên liên doanh các nhà đầu tư Dự án Khí Lô B - Ô Môn của Việt Nam.
Tại buổi tiếp, ông Hirotaka Hamamoto, Chủ tịch Công ty Thăm dò và khai thác dầu khí Mitsui, cho biết Mitsui đã tham gia dự án khí Lô B - Ô Môn ngay từ những ngày đầu và theo đuổi dự án trong suốt hơn 20 năm qua; đề nghị Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo giải quyết những vướng mắc để hoàn thiện đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán, vận chuyển, tiêu thụ khí… theo quan điểm của Thủ tướng là "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", để thúc đẩy dự án khai thác khí Lô B trong tháng 6/2023.
Thủ tướng Phạm Minh tiếp Chủ tịch Công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí Mitsui (MOECO) Hirotaka Hamamoto. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ tình trạng đình trệ của dự án khai thác khí đốt Lô B trong nhiều năm là đáng tiếc; hoan nghênh Mitsui đã theo đuổi dự án, ngay cả khi có những đối tác chuyển hướng đầu tư; cho biết đây là một trong những dự án được Thủ tướng quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, đôn đốc thúc đẩy suốt 2 năm qua để giải quyết dứt điểm những vướng mắc đã kéo dài hơn 20 năm. Tuy nhiên, tiến độ triển khai của các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan vẫn có độ trễ, song nhất định những vướng mắc sẽ được giải quyết trong thời gian ngắn tới đây.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh nỗ lực của Mitsui thúc đẩy khiến trai dự án vào tháng 6/2023; hy vọng dòng khí đốt từ Lô B sẽ sớm phục vụ các nhà máy nhiệt điện Ô Môn của Việt Nam; đề nghị Mitsui tiếp tục hợp tác đầu tư tại Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực phát triển năng lượng xanh, năng lượng sạch, phù hợp với xu thế của thế giới và giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu giảm phát thải bằng 0 vào năm 2050.
* Trước đó, chiều tối 19/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Fujimoto Masayoshi, Tổng Giám đốc Tập đoàn Sojitz - doanh nghiệp có 17 công ty liên doanh tại Việt Nam với doanh thu khoảng 1 tỷ USD.
Tại buổi tiếp, ông Masayoshi nhấn mạnh với sự hỗ trợ, đồng hành của Chính phủ và các cơ quan, tập đoàn đã vượt qua được giai đoạn dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam. Ông khẳng định Sojitz cam kết đầu tư mạnh mẽ, lâu dài tại Việt Nam; trình bày một số ý tưởng mở rộng hoạt động đầu tư tại trong thời gian tới trên các lĩnh vực khu công nghiệp, năng lượng tái tạo; trao đổi về một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư trong thời gian qua; nêu một số kiến nghị, đề xuất liên quan tới cơ chế mua bán điện trực tiếp, phát triển năng lượng tái tạo…
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những đóng góp tích cực, hiệu quả của Sojitz tại Việt Nam trong nhiều năm qua; hoan nghênh Sojitz mở rộng đầu tư vào lĩnh vực khu công nghiệp tại Việt Nam. Đây là lĩnh vực mà Nhật Bản có kinh nghiệm, thế mạnh, đồng thời phù hợp với định hướng hợp tác, thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc của Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ vừa ban hành Quy hoạch điện VIII, trong đó ưu tiên phát triển mạnh năng lượng tái tạo; đồng thời yêu cầu ban hành thí điểm, tiến tới xây dựng chính thức cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất năng lượng tái tạo và khách hàng tiêu thụ đồng bộ với sửa đổi Luật Điện lực và lộ trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Sojitz tiếp tục mở rộng đầu tư vào các hệ sinh thái khu công nghiệp, làm cầu nối thúc đẩy các doanh nghiệp có nguồn lực về vốn, công nghệ, năng lực quản trị của Nhật Bản đến đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, góp phần đưa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn với tiềm năng mạnh mẽ của tập đoàn, Sojitz sẽ không ngừng mở rộng hoạt động đầu tư kinh doanh hiệu quả, bền vững tại Việt Nam, đóng góp nhiều hơn vào tiến trình phát triển kinh tế-xã hội, nhất là đối với các lĩnh vực khu công nghiệp, năng lượng tái tạo…
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Sojitz phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương liên quan để kịp thời trao đổi, cùng tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các ý tưởng đầu tư; phối hợp với các hiệp hội, địa phương của Việt Nam kết nối, hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuỗi cung ứng của Tập đoàn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!