Thủ tướng: Phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ hoàn thành ít nhất 3.000 km đường cao tốc

Thuỳ An-Thứ tư, ngày 08/11/2023 12:19 GMT+7

VTV.vn - Thời gian qua, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo triển khai các dự án giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, gồm 36 dự án với 83 dự án thành phần.

Sáng 8/11, sau phiên chất vấn các Bộ trưởng phụ trách lĩnh vực văn hóa - xã hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo giải trình, làm rõ các vấn đề liên quan và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy các động lực tăng trưởng

Về các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, Thủ tướng cho biết dự kiến có 5 chỉ tiêu khó đạt kế hoạch đề ra, gồm: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP); GDP bình quân đầu người; Tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội; Tỉ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội. Trong đó riêng, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước đạt trên 5% (so với kế hoạch khoảng 6,5%).

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tốc độ tăng GDP dự kiến không đạt kế hoạch đề ra là do tác động, ảnh hưởng nặng nề từ bên ngoài và những hạn chế, bất cập từ bên trong, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, trong khi nước ta là nước đang phát triển, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, xuất phát điểm thấp, quy mô còn khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế.

Theo Thủ tướng, tốc độ tăng trưởng GDP không đạt mục tiêu là một yếu tố quan trọng dẫn đến các chỉ tiêu khác như GDP bình quân đầu người, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội cũng không đạt được mục tiêu đề ra.

Thủ tướng: Phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ hoàn thành ít nhất 3.000 km đường cao tốc - Ảnh 1.

Sáng 8/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo giải trình, làm rõ các vấn đề liên quan và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội

Thời gian tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, như tiếp tục ưu tiên thúc đẩy các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước; mở rộng xuất khẩu.

Đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư xã hội, đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nhất là mở rộng thị trường, kiên quyết cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh…

Thời gian tới, Chính phủ cũng sẽ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực cấp dưới và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, đề cao trách nhiệm người đứng đầu phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của các bộ, ngành, địa phương;

"Tiếp tục hoàn thiện quy định để khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp né tránh, không phối hợp, đùn đẩy trách nhiệm, làm chậm, kém hiệu quả", Thủ tướng nêu rõ.

Đặt mục tiêu 3.000 km đường cao tốc đến cuối nhiệm kỳ

Khái quát bức tranh về các dự án hạ tầng quan trọng ngành giao thông, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo triển khai các dự án giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, gồm 36 dự án với 83 dự án thành phần.

"Lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thường xuyên kiểm tra, trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, động viên, khích lệ các đơn vị thi công và người lao động "vượt nắng, thắng mưa", "xua tan dịch bệnh", làm việc "3 ca, 4 kíp", xuyên lễ, xuyên Tết, nỗ lực hết mình để hoàn thành, sớm đưa công trình vào sử dụng", Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Thủ tướng thông tin về việc tháo gỡ những bất cập, vướng mắc kéo dài để khởi công, triển khai các dự án giao thông trọng điểm, như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, sân bay Điện Biên, Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và nhiều dự án đường bộ cao tốc khác.

Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ nêu thực trạng một số dự án còn chậm tiến độ, đội vốn, chia nhỏ gói thầu, chất lượng chưa đồng đều. Một số đoạn, tuyến cao tốc chưa xây dựng đủ 4 làn xe, chưa có trạm dừng nghỉ, làn dừng khẩn cấp; hoàn trả đường dân sinh, hậu cần còn bất cập...

Chỉ ra nguyên nhân từ tác động khách quan cũng như chậm về thủ tục, Người đứng đầu Chính phủ khẳng định tới đây sẽ chỉ đạo sớm ban hành quy chuẩn đường cao tốc trong quý I/2024; rà soát, tính toán hợp lý, huy động nguồn lực đầu tư mở rộng 5 tuyến cao tốc phân kỳ đầu tư 2 làn xe và 7 tuyến chưa có làn dừng khẩn cấp.

"Phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ hoàn thành mục tiêu ít nhất có 3.000 km đường bộ cao tốc theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng: Phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ hoàn thành ít nhất 3.000 km đường cao tốc - Ảnh 2.

Thủ tướng cho biết, phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ hoàn thành mục tiêu ít nhất có 3.000 km đường bộ cao tốc theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng

Thiếu điện do nguyên nhân chủ quan là chính

Liên quan tới vấn đề đảm an ninh năng lượng được nhiều đại biểu đề cập tại phiên thảo luận kinh tế xã hội, chất vấn, nhất là cách để không lặp lặp lại tình trạng thiếu điện như tháng 6/2203, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo từ sớm, từ xa về việc cung ứng đủ điện, xăng dầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng.

Thủ tướng khẳng định, về cơ bản an ninh năng lượng được đảm bảo, tuy nhiên trong năm nay đã xảy ra tình trạng thiếu điện cục bộ tại miền Bắc vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 và năm ngoái là thiếu xăng dầu.

Hiện, tổng công suất nguồn đạt trên 70.000 MW, nhu cầu thực tế chỉ cần khoảng 52.000 MW nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, đã dẫn đến tình trạng thiếu điện cục bộ khu vực miền Bắc.

Theo Thủ tướng, nguyên nhân chủ quan là chính. Cụ thể, việc nắm tình hình, xây dựng kế hoạch truyền tải, điều độ và khâu phân phối, trong đó đầu tư phát triển mạng lưới truyền tải, phân phối điện chưa được quan tâm đúng mức trong thời gian dài. Điều độ hệ thống điện có những hạn chế, bất cập; phân bổ nguồn điện nền giữa các vùng miền chưa hợp lý.

"Chính phủ chỉ đạo kiên quyết đảm bảo giữ vững an ninh năng lượng quốc gia", Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhiều giải pháp được Chính phủ đưa ra để khắc phục tình trạng thiếu điện như khẩn trương ban hành kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII. Cơ chế cho phát triển công nghiệp điện tái tạo theo tinh thần Nghị quyết 55 của Bộ Chính sẽ được rà soát, hoàn thiện. Ngoài ra, các khâu truyền tải, điều độ và phân phối sẽ được ưu tiên, trong đó đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường dây 500 kV từ miền Trung ra miền Bắc.

Thị trường mua bán điện cạnh tranh, cơ chế mua bán điện trực tiếp, cơ chế khuyến khích phát triển nguồn điện áp mái tự sản, tự tiêu sẽ sớm được ban hành. Chính phủ giao bộ quản lý có giải pháp đảm bảo đủ nguồn cung xăng dầu cho sản xuất, tiêu dùng.

"Việt Nam sẽ đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng xanh, sạch, công bằng gắn với cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu", lãnh đạo Chính phủ cho hay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước