Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2024. (Ảnh: TTXVN)
Sáng nay (6/7), Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 và Hội nghị Chính phủ với địa phương về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm.
Các ý kiến tại Hội nghị nhận định, mặc dù tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng 6 tháng đầu năm, kinh tế nước ta đã phục hồi tích cực, tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước và cao hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực.
Trong đó, tăng trưởng GDP quý II đạt 6,93%, 6 tháng đạt 6,42%, vượt kịch bản đề ra, là mức cao của khu vực và thế giới; CPI 6 tháng tăng 4,08%. Cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều tăng trưởng tốt. Chỉ số nhà quản trị mua hàng tháng 6 đạt 54,7 điểm (cao nhất ASEAN). Xuất khẩu 6 tháng tăng 14,5%, trong đó khu vực trong nước tăng cao hơn khu vực FDI, nhập khẩu tăng 17%; xuất siêu hơn 11,6 tỷ USD.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp. (Ảnh: TTXVN)
Tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng đạt 60% dự toán năm, tăng gần 16% so với cùng kỳ. Thu hút FDI 6 tháng đạt gần 15,2 tỷ USD, tăng 13%; vốn FDI thực hiện đạt 10,8 tỷ USD, tăng 8,2% (cao nhất 5 năm qua).
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương sự nỗ lực, cố gắng và những kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, khó khăn. Trong đó, sức ép lạm phát còn cao, tăng trưởng kinh tế một số địa phương còn thấp; tình hình sản xuất kinh doanh một số lĩnh vực còn khó khăn, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng chưa cao.
Sau khi chỉ rõ một số nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu phấn đấu tăng trưởng từ 6,5 - 7% trong quý III. Lạm phát giữ ở mức 4 - 4,5%. Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, giữ vững quốc phòng an ninh.
Trong nhiều nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm; phối hợp đồng bộ, hài hòa với các chính sách khác, đặc biệt là chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay, chi phí vay; tiếp tục thực hiện việc miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí. Tăng cường công tác quản lý giá; kiểm soát lạm phát, trong đó có kiểm soát giá dịch vụ trong giáo dục. Kiên quyết không để thiếu điện, xăng dầu, lương thực thực phẩm.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của mình chủ động, tích cực hơn nữa tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!