Thủ tướng: Tạo mọi điều kiện để đội ngũ trí thức đóng góp nhiều hơn cho đất nước

Việt Cường, Văn Khương, Trung Thành-Thứ tư, ngày 15/09/2021 20:34 GMT+7

VTV.vn - Đảng, Nhà nước luôn đặt niềm tin vào trí tuệ, khát vọng cống hiến của các trí thức, nhà khoa học; tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, thúc đẩy KH-CN phát triển.

Đây là khẳng định của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị toàn quốc "Đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng" do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức chiều 15/9.

Trước khi dự Hội nghị, Thủ tướng đã đến tham quan gian trưng bày một số thành tựu khoa học công nghệ và những dấu mốc nổi bật của Liên Hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và tham quan một số mô hình, sản phẩm khoa học công nghệ đã được ứng dụng thành công trong thực tiễn như: những đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ xây dựng, ứng dụng phát triển khoa học công nghệ trong nông nghiệp và công nghệ chế biến.

Thủ tướng: Tạo mọi điều kiện để đội ngũ trí thức đóng góp nhiều hơn cho đất nước - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan trưng bày các sản phẩm khoa học, kỹ thuật. Ảnh: TTXVN

Báo cáo tại hội nghị, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, thời gian tới, đội ngũ trí thức khoa học - công nghệ cả nước phấn đấu thắng lợi các mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đề ra, nhất là về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng công nghệ. Các nhà khoa học cũng đã có nhiều phát biểu tâm huyết và đưa ra một số kiến nghị, đề xuất với Đảng, nhà nước. Nhiều nhà khoa học cũng đóng góp một số ý kiến trong công tác phòng, chống dịch hiện nay.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn những ý kiến đóng góp rất tâm huyết, chân thành, trách nhiệm của các nhà khoa học, trí thức, cũng rất chia sẻ với tâm tư, nguyện vọng và cả những kiến nghị của các nhà khoa học, qua đó thấy rằng còn rất nhiều việc phải làm, nhiều rào cản cần tháo gỡ, nhiều chính sách cần có sự thay đổi, nhiều lĩnh vực cần tư duy đột phá, làm cho khoa học công nghệ thực sự trở thành động lực quan trọng.

Thủ tướng khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn rất quan tâm đến sự phát triển khoa học - công nghệ và đội ngũ trí thức. Đội ngũ trí thức khoa học - công nghệ cũng luôn thường xuyên tham mưu, tư vấn về việc hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách, tích cực thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ vào đời sống, sáng tạo và có những đóng góp tích cực cho đất nước.

Thủ tướng: Tạo mọi điều kiện để đội ngũ trí thức đóng góp nhiều hơn cho đất nước - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng rất xúc động khi thấy nhiều nhà khoa học dù cuộc sống còn đối mặt với khó khăn, vất vả nhưng hết lòng, hết sức cống hiến cho khoa học, cho đất nước; nhiều giáo sư, nhà khoa học đang tình nguyện ở lại tâm dịch vì sức khỏe nhân dân. Điều đó thật đáng trân trọng và tôn vinh.

Nhắc lại một số ý kiến của GS Nguyễn Anh Trí về giải pháp chống dịch, Thủ tướng cho biết thời gian qua, Chính phủ đã nhận được rất nhiều ý kiến của các nhà khoa học, trí thức qua nhiều hình thức khác nhau, đóng góp, hiến kế cho công tác chống dịch, trong đó có cả những ý kiến phản biện. Thủ tướng trân trọng tất cả các ý kiến tâm huyết trên và cho biết không bỏ sót một ý kiến nào. Nhiều ý kiến đã được Ban chỉ đạo tiếp thu để làm tốt hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, theo Thủ tướng, khoa học - công nghệ nước ta vẫn còn những tồn tại, hạn chế, nhất là trong giai đoạn hiện nay, với mục tiêu chuyển đổi số, xây dựng xã hội số, nền kinh tế số. Số cán bộ khoa học - công nghệ tuy gia tăng về số lượng nhưng thiếu các chuyên gia giỏi đầu ngành trong nhiều lĩnh vực tiên phong.

Các cơ chế, chính sách đột phá để thúc đẩy khoa học - công nghệ phát triển còn những hạn chế và chưa đồng bộ. Việc ứng dụng khoa học - công nghệ và kết nối với các tổ chức nghiên cứu, doanh nghiệp còn ở mức độ khiêm tốn; chưa tạo được phong trào đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, khoa học - công nghệ chưa thực sự gắn chặt với thị trường.

Các công trình nghiên cứu tầm cỡ quốc tế, có đóng góp đột phá đối với phát triển kinh tế - xã hội còn ít. Đặc biệt, Thủ tướng nhắc đến một bất cập lâu nay khiến nhiều nhà khoa học ngồi dự rất tâm đắc, đó là việc chính sách tài chính chưa đáp ứng được mong mỏi của các nhà khoa học và phải điều chỉnh.

Thủ tướng: Tạo mọi điều kiện để đội ngũ trí thức đóng góp nhiều hơn cho đất nước - Ảnh 3.

QUang cảnh hội nghị. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang và tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách, giảm tối đa các gánh nặng hành chính cho các nhà khoa học, tôn trọng đặc thù của lao động sáng tạo, đặt niềm tin và chấp nhận rủi ro, độ trễ trong khoa học, dỡ bỏ các rào cản duy ý chí và hành chính hóa hoạt động khoa học - công nghệ để tạo không gian rộng hơn, cởi mở hơn cho hoạt động đổi mới, sáng tạo vì sự nghiệp khoa học của nước nhà.

Thủ tướng gợi mở và đặt hàng các nhà khoa học tập trung nghiên cứu một số vấn đề lớn, mang tính chiến lược của đất nước như xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; vấn đề an ninh phi truyền thống, đặc biệt là biến đổi khí hậu (ở miền Trung và miền núi phía Bắc, ở đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long) bởi các vấn đề ấy có tác động đến toàn bộ sự phát triển bền vững của đất nước đòi hỏi nghiên cứu kỹ lưỡng.

Vấn đề tiếp theo là về già hóa dân số, kinh tế tri thức, sự phát triển bền vững, quá trình chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số… đặc biệt là những vấn đề cấp bách, bất ngờ như dịch bệnh COVID-19 hay vấn đề phát triển công nghiệp dược… Đây là những vấn đề rất cơ bản, chiến lược, đề nghị các nhà khoa học đi trước một bước.

Về cơ chế chính sách, Chính phủ đang tập trung hoàn thiện thể chế, xây dựng một chiến lược phát triển khoa học công nghệ, từ đó xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp trong đó có chính sách khuyến khích một cách bài bản, tạo môi trường, tạo hệ sinh thái cho các nhà khoa học cống hiến. Thủ tướng mong tiếp tục nhận được sự đóng góp ý kiến của các nhà khoa học, trí thức và cho biết sẽ tổ chức các cuộc đối thoại để lắng nghe, giải đáp, gỡ vướng mắc.

Thủ tướng cho biết đã trăn trở rất nhiều về tình trạng "chảy máu chất xám " hoặc không khai thác hết chất xám của đất nước. Truyền thống và trí tuệ của Việt Nam thật sự là tài nguyên quý giá của đất nước nhưng một câu hỏi rất lớn đặt ra là đã khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên trí tuệ đó như thế nào? Đã hợp lý chưa? Có lãng phí không?

Khẳng định, tất cả những người có trách nhiệm đều đau đáu về những câu hỏi đó, Thủ tướng đề nghị Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nghiên cứu cụ thể nguyên nhân, tồn tại, gợi ý giải pháp thiết thực cho Chính phủ để giải quyết từng bước tình trạng này. Các bộ ngành liên quan nghiên cứu các giải pháp tăng cường hợp tác công - tư trong lĩnh vực này, bởi nếu chỉ trông chờ vào nguồn lực của nhà nước thôi thì chưa đủ.

Thủ tướng đề nghị các địa phương quan tâm hơn nữa đến khoa học và công nghệ, đặc biệt cần khiêm tốn, cầu thị, lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, dù đó là trái chiều, ý kiến phản biện để có sự lựa chọn, cân nhắc kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở khoa học, thực tiễn, khả thi và có hiệu quả nhất, quan trọng là đặt lợi ích của quốc gia dân tộc, của nhân dân lên trên hết, trước hết.

Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng và Chính phủ luôn đặt niềm tin vào trí tuệ, vào khát vọng cống hiến của đội ngũ trí thức nước nhà. Niềm tin ấy sẽ là động lực để góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, phát triển và thịnh vượng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước