Tại đây, Thủ tướng đã làm việc với lãnh đạo một số bộ, ngành, xem xét, giải quyết các đề xuất, kiến nghị liên quan tới hoạt động của Trung tâm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng, kiện toàn bộ máy, tổ chức của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Cùng đi với Thủ tướng có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan và một số tập đoàn, doanh nghiệp.
Đây là lần thứ 2 trong năm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm, làm việc tại NIC và cơ sở mới của Trung tâm tại Hòa Lạc.
Sau gần 3 năm thi công, cơ sở mới của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (NIC Hòa Lạc) sẽ chính thức được khánh thành vào cuối tháng 10/2023.
Thủ tướng đề nghị, sau sự kiện khánh thành cơ sở mới của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trên cả nước - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đồng thời, Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023 (VIIE 2023) sẽ được tổ chức từ ngày 28/10 đến ngày 1/11 tại NIC Hòa Lạc, với sự tham gia của các doanh nghiệp uy tín trong nước và quốc tế, như SK, Samsung, Google, Meta, Signify, Intel, VISA, Viettel, FPT, THACO, VNPT, Sovico, MoMo…
NIC trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, được thành lập theo Quyết định số 1269/QĐ-TTg ngày 2/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Trung tâm có chức năng hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên phát triển khoa học công nghệ.
Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Vũ Quốc Huy cho biết, đến nay, các quy định, quy chế về tổ chức và hoạt động cho Trung tâm đã được ban hành khá đầy đủ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Các nhiệm vụ trọng tâm của NIC là: Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực cho đổi mới sáng tạo; phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực công nghệ và đổi mới sáng tạo chất lượng cao; phát triển Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam.
Với sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng quyết tâm cao của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, NIC Hòa Lạc hứa hẹn sẽ là không gian dành cho đổi mới sáng tạo lớn nhất Việt Nam với nhiều cơ chế ưu đãi đặc thù nhằm thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ lớn, các tổ chức hỗ trợ, ươm tạo đổi mới sáng tạo uy tín trên thế giới, các chuyên gia trí thức trong và ngoài nước.
Một số hạng mục hạ tầng không gian mở của Trung tâm NIC đang được khẩn trương hoàn thiện - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Với định hướng "hội tụ trí tuệ và lan tỏa lợi ích đổi mới sáng tạo Việt Nam", thời gian tới, các cơ quan sẽ tiếp tục hoàn thiện bộ máy tổ chức của NIC để đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là sau khi hình thành cơ sở của Trung tâm tại Hòa Lạc.
Cùng với đó, thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ đổi mới sáng tạo, cũng như nhanh chóng lấp đầy các không gian tại NIC Hòa Lạc. Nghiên cứu, xây dựng một số chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo mang tầm quốc gia với sự hỗ trợ nguồn lực của Nhà nước, các tập đoàn, công ty lớn trong và ngoài nước.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, tổng kinh phí xây dựng cơ sở mới của NIC Hòa Lạc là gần 1.000 tỷ đồng, nhưng không sử dụng ngân sách Nhà nước, mà huy động các nguồn tài trợ, đóng góp từ doanh nghiệp trong và ngoài nước dưới các hình thức đa dạng, thích hợp và thông qua xã hội hóa đầu tư. Bộ trưởng bày tỏ quyết tâm và kỳ vọng đưa NIC trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo tầm cỡ trong khu vực, nơi thu hút và kích hoạt các nguồn lực trong và ngoài nước để thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng trao đổi với Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Trưởng Ban Quản lý Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Báo cáo tại cuộc làm việc, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC cho biết, đến nay, các quy định, quy chế về tổ chức và hoạt động cho Trung tâm đã được ban hành khá đầy đủ, đặc biệt là Nghị định số 94/2020/NĐ-CP Chính phủ về cơ chế đặc thù cho Trung tâm. NIC đã từng bước kiện toàn bộ máy, bổ sung nhân sự để thực hiện nhiệm vụ. Các hoạt động của Trung tâm đã được triển khai tích cực, đem lại hiệu quả, có tác động lan tỏa với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Đặc biệt, về phát triển công nghiệp bán dẫn, Trung tâm đã nhanh chóng mở rộng quan hệ với nhiều đối tác (Synosyps, Cadence, Nvidia,...); triển khai xây dựng trung tâm ươm tạo, thiết kế chip bán dẫn tại các cơ sở của NIC (dự kiến khai trương trong tháng 10-11/2023); nghiên cứu đề án phát triển nhân lực cho ngành chip bán dẫn; xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ngành bán dẫn; tổ chức các hội nghị và chương trình kết nối các đối tác ngành bán dẫn trong và ngoài nước.
Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam trên toàn cầu đã hình thành với 2.000 thành viên, gồm các chuyên gia, trí thức người Việt tiêu biểu trong và ngoài nước tại 20 quốc gia, vùng lãnh thổ (8 mạng lưới thành phần tại Đức, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, châu Âu, Đài Loan (Trung Quốc), Bờ Đông và Bờ Tây Hoa Kỳ).
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, theo NIC, cơ chế tiếp nhận các nguồn lực tài trợ trong và ngoài nước còn nhiều khó khăn, chưa huy động được các nguồn lực lớn để triển khai các chương trình hỗ trợ quy mô lớn cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Không gian xanh-sạch là điểm đặc trưng nổi bật tại NIC - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Một số hoạt động khởi nghiệp sáng tạo chưa có đủ điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện; việc xây dựng và triển khai cơ chế thử nghiệm cho các hoạt động đổi mới sáng tạo còn nhiều khó khăn do vướng các quy định. Còn thiếu cơ chế, chính sách hướng dẫn thành lập, hoạt động cho các trung tâm đổi mới sáng tạo, nên nhiều địa phương, doanh nghiệp còn lúng túng trong việc triển khai.
NIC và các cơ quan sẽ tiếp tục đề xuất cơ chế, chính sách và kế hoạch để phát triển các lĩnh vực trọng tâm của Trung tâm, đặc biệt là phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và hydrogen xanh. Tiếp tục mở rộng hệ thống các đối tác trong và ngoài nước; thúc đẩy và nâng cao chất lượng của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
NIC kiến nghị các cơ quan liên quan rà soát, xây dựng pháp luật, chính sách chung về đổi mới sáng tạo trên cả nước và quy định liên quan tới NIC, tạo cơ chế đủ mạnh để thử nghiệm và triển khai hoạt động đổi mới sáng tạo. Cùng với đó, sớm hoàn thiện các thủ tục phê duyệt quy hoạch, bố trí khu đất để NIC xây dựng khu dịch vụ cho chuyên gia.
Đáng chú ý, NIC đề xuất các cơ quan rà soát hệ thống các quy định, chính sách đặc thù cho ngành bán dẫn; xây dựng hệ thống thể chế vượt trội và có thể thí điểm ngay tại NIC và các khu công nghệ cao. NIC cũng đề xuất phối hợp với các tập đoàn công nghệ lớn để để thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo tại Việt Nam và phát triển các trung tâm dùng chung về đào tạo, nghiên cứu trong lĩnh vực bán dẫn.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu hình thành ngay quỹ đổi mới sáng tạo. Cùng với đó, các cơ quan cần tiếp tục củng cố, mở rộng và phát huy hiệu quả của Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính trước hết yêu cầu khẩn trương tiến hành chuyển giao Khu Công nghệ cao Hòa Lạc từ Bộ Khoa học và Công nghệ về Hà Nội quản lý; tiến hành quy hoạch, mở rộng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc theo hướng "4 trong 1": Khu công nghệ cao, khu thương mại-dịch vụ, khu đô thị và khu công nghiệp.
Để làm điều này, cần sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan hoạt động của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải và Hà Nội triển khai ngay tuyến đường sắt đô thị từ trung tâm Hà Nội đến Hòa Lạc để giải quyết vấn đề kết nối giao thông.
Thủ tướng hoan nghênh, đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đứng đầu là Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo trong thúc đẩy hình thành cơ sở mới của NIC tại Hòa Lạc.
Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Cơ bản đồng tình với các định hướng và kiến nghị của NIC, Thủ tướng nêu rõ, thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng, kiện toàn bộ máy, tổ chức của Trung tâm; sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành nghị định mới thay thế Nghị định 94 về cơ chế, chính sách ưu đãi đối với NIC, trong đó các cơ quan cần nghiên cứu, đề xuất mô hình hoạt động phù hợp với Trung tâm, đề xuất khung chính sách ưu tiên để thu hút và giữ chân nguồn nhân lực, việc phối hợp với các cơ quan liên quan…
Thủ tướng giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu hình thành ngay quỹ đổi mới sáng tạo. Cùng với đó, các cơ quan cần tiếp tục củng cố, mở rộng và phát huy hiệu quả của Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam.
Thủ tướng đề nghị sau sự kiện khánh thành cơ sở mới của NIC, các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trên cả nước, tạo thuận lợi, thúc đẩy hoạt động của NIC cũng như các trung tâm đổi mới sáng tạo khác và các hoạt động, chương trình, dự án đổi mới sáng tạo nói chung.
Luật Đầu tư năm 2020 đã quy định ưu đãi đặc biệt đầu tư cho NIC, cùng với ưu đãi đầu tư cho các trung tâm đổi mới sáng tạo khác.
Theo Nghị định số 94/2020/NĐ-CP về cơ chế, chính sách ưu đãi đối với NIC và Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đổi mới sáng tạo hoạt động tại NIC sẽ được hưởng 6 ưu đãi chính.
- Thứ nhất, được hỗ trợ các thủ tục hành chính về đăng ký kinh doanh, giấy phép lao động, xác lập quyền sở hữu công nghiệp.
- Thứ hai, được hỗ trợ văn phòng làm việc và sử dụng phòng thí nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định và các phương tiện, tiện ích khác của NIC.
- Thứ ba, được hưởng ưu đãi trong thủ tục đấu thầu theo quy định của Luật Đấu thầu.
- Thứ tư, được tạo thuận lợi trong các thủ tục đấu thầu theo quy định hiện hành.
- Thứ năm, được huy động và nhận tài trợ từ các chương trình tài trợ nghiên cứu của Chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật để triển khai hoạt động đổi mới sáng tạo.
- Thứ sáu, được hưởng các ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật về thuế.
- Ngoài ra, các trung tâm đổi mới sáng tạo hoạt động theo mô hình của NIC cũng sẽ được nhiều ưu đãi, như: Ưu đãi trong tín dụng đầu tư của Nhà nước; ưu tiên thuê đất trong thời hạn 50 năm trong các khu công nghệ cao và được miễn toàn bộ tiền thuê đất cho cả thời hạn thuê; miễn thuế hàng hóa nhập khẩu sử dụng cho nghiên cứu khoa học; hưởng các thuế suất ưu đãi tốt nhất hiện nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!