Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế, năm 2014 là một năm bản lề và là một mốc mới quan trọng trong quá trình hội nhập toàn diện, sâu rộng theo quan điểm tích cực và chủ động trên cả ba trụ cột là: chính trị, an ninh, quốc phòng; kinh tế và văn hóa, xã hội; khoa học, công nghệ và giáo dục, đào tạo.
Kết quả nổi bật của hội nhập quốc tế trong năm qua được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tại phiên họp là vừa nâng cao được vị thế quốc gia trên trường quốc tế, vừa tạo điều kiện, môi trường thuận lợi và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, nhất là chủ quyền quốc gia trên Biển Đông.
Hội nhập quốc tế cũng làm cho các nước hiểu rõ hơn chính sách về dân chủ, nhân quyền của Việt Nam, đi cùng với việc bảo vệ được lợi ích quốc gia. Điểm sáng lớn nhất trong hội nhập kinh tế của năm 2014 là có 3 trong số 6 Hiệp định thương mại tự do song phương đã cơ bản hoàn tất đàm phán.
Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong hai nước có mức độ thực hiện các biện pháp xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN cao nhất. Ở lĩnh vực hội nhập quốc tế về văn hóa, xã hội; khoa học, công nghệ và giáo dục đào tạo cũng đang được triển khai tích cực, đặc biệt là việc Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký Hiệp định hợp tác về sử dụng năng lượng hạt nhân.
Thủ tướng nhấn mạnh, nếu không có hội nhập kinh tế, Việt Nam không thể có tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu tới 18% như trong 4 năm vừa qua, góp phần tạo thêm hàng triệu việc làm và bảo đảm tăng trưởng kinh tế.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, tới đây Thủ tướng sẽ ra một Chỉ thị về tiếp tục hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị, để hội nhập quốc tế mang lại những hiệu quả thiết thực, phục vụ lợi ích của đất nước trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Thủ tướng cũng yêu cầu trong quá trình đàm phán các Hiệp định thương mại tự do tới đây cần mở cửa cả những lĩnh vực vốn đang được bảo hộ cao, nhằm thúc đẩy đổi mới, nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của doanh nghiệp theo đúng quy luật của kinh tế thị trường. Bởi nếu bảo hộ các doanh nghiệp trong nước một chiều sẽ làm chậm tiến trình đổi mới và cải cách của chính các doanh nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông cần xây dựng một kế hoạch thông tin truyền thông về hội nhập, trong đó cung cấp cho báo chí và đăng tải rộng rãi trên mạng Internet những thông tin về Cộng đồng ASEAN cũng như những cam kết về mở cửa thị trường và những thuận lợi của các Hiệp định định thương mại tự do song phương mà Việt Nam sẽ ký trong năm nay mang lại. Vì theo Thủ tướng hiện một số Bộ, ngành, địa phương và bộ phận lớn doanh nghiệp chưa nhận thức sâu sắc và coi nhẹ hội nhập quốc tế. Đây là điều sẽ khiến Việt Nam bị thua thiệt mà không khai thác được hết những thuận lợi do hội nhập quốc tế mang lại.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.