Khi Việt Nam hội nhập quốc tế đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp phải cạnh tranh về sản xuất kinh doanh và cạnh tranh cả về nguồn vốn. Theo thống kê, chỉ có 1/3 doanh nghiệp có được cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do, một trong những nguyên nhân là do doanh nghiệp vẫn phải vay vốn ngân hàng với lãi suất cao hơn mặt bằng chung của một số nước trong khu vực đến 2 lần. Việc thu hút nguồn vốn quốc tế cũng gặp cản trở do quy mô các doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư.
Ông Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Ngân hàng Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng: "Để huy động nguồn vốn, các chủ kinh doanh đều tập trung vào hoạt động của doanh nghiệp đó, bao gồm hiệu quả sản xuất kinh doanh và về tính chuyên nghiệp, tính minh bạch. Khi doanh nghiệp Việt Nam chưa đạt được yêu cầu như vậy, nhà đầu tư nước ngoài rất khó để yên tâm giao vốn cho các doanh nghiệp đó".
Nhà nước đã đưa ra những giải pháp tích cực khơi thông nguồn lực tài chính. Ngoài nguồn vốn từ các doanh nghiệp, nguồn lực tài chính của Việt Nam còn bao gồm nguồn vốn tiềm tàng trong dân cư, thị trường bất động sản.
Ông Sanjay Kalra, Trưởng đại diện Quỹ IMF tại Việt Nam nhấn mạnh: "Nhà nước có thể cải cách khu vực ngân hàng, khiến ngân hàng trở thành khu vực trung gian tốt để huy động nhiều vốn hơn. Ngoài ra cần ổn định kinh tế vĩ mô, tăng niềm tin của người dân vào tiền Việt Nam. Khi đó, họ sẽ đem tiền Việt Nam gửi vào ngân hàng chứ không chạy theo ngoại tệ".
Năm 2014, doanh nghiệp mới ra đời tăng so với số lượng giải thể, đây là nút thắt nhưng cũng là động lực mới của nền kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó, đầu tư công cũng hướng đến giải quyết dứt điểm trong ngắn hạn.
Các chuyên gia khuyến cáo, hội nhập quốc tế là cơ hội để nhiều nguồn vốn được phát huy. Việc huy động và sử dụng nguồn vốn có hiệu quả sẽ tạo đà cho kinh tế phát triển bền vững.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.