Dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội Trần Thanh Mẫn, hôm nay (15/5), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV và báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023.
Theo báo cáo, có 2.216 kiến nghị đã được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, 2.204 kiến nghị được giải quyết và trả lời cử tri, đạt tỷ lệ 99,5%.
Tiếp thu kiến nghị của cử tri, Quốc hội đã có nhiều cải tiến trong xây dựng pháp luật để Luật sau khi ban hành đảm bảo tính khả thi, thực hiện ổn định, lâu dài; hoạt động giám sát được đổi mới, có trọng tâm, trọng điểm về những vấn đề nổi lên trong thực tiễn.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội chủ trì phiên họp. (Ảnh: TTXVN)
Chính phủ và các Bộ, ngành đã chú trọng giải quyết kiến nghị của cử tri với tinh thần cầu thị, chủ động khắc phục các hạn chế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành.
Còn theo báo cáo dân nguyện của Quốc hội tháng 4, cử tri và nhân dân bày tỏ lo lắng về tình trạng thời tiết nắng nóng, khô hạn, các vụ ngộ độc thực phẩm, tai nạn lao động, mong muốn có giải pháp khắc phục hiệu quả và đề nghị tăng cường công tác thanh tra, giám sát thị trường vàng, các doanh nghiệp kinh doanh vàng.
Tiết kiệm chi ngân sách 83.000 tỷ đồng
Cho ý kiến vào báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023, các đại biểu đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong bảo đảm kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách; việc điều hành chi cũng chặt chẽ và tiết kiệm được hơn 83.000 tỷ đồng, cao hơn so với 2022.
Tuy nhiên có 91/115 bộ, cơ quan trung ương và địa phương tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công dưới bình quân cả nước, việc triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm và triển khai Nghị quyết 43 của Quốc hội chưa đạt mục tiêu, tỷ lệ giải ngân vốn của chương trình đến hết tháng 1 năm nay mới đạt 59%.
Các đại biểu đề nghị tiếp tục siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, xử lý nghiêm các vi phạm trong đấu thầu, triển khai các dự án đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia, giải quyết dứt điểm tình trạng lãng phí tài nguyên đất đai của các dự án chậm đưa vào sử dụng hoặc bị dừng thực hiện sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.
Cũng trong hôm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo quyết toán Ngân sách Nhà nước năm 2022; việc phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland; cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 7 và dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp.
Phát biểu bế mạc phiên họp thứ 33, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao các cơ quan đã tích cực, trách nhiệm để hoàn thành các nội dung của phiên họp.
Cho biết Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội sẽ xem xét 39 nội dung, trong đó có 24 nội dung thuộc công tác lập pháp, thời gian còn lại không nhiều, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các cơ quan bảo đảm tiến độ gửi tài liệu tới các đại biểu Quốc hội, chủ động, tích cực phối hợp với Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khẩn trương tiếp thu hoàn thiện các báo cáo, tờ trình bảo đảm chất lượng cao nhất để trình Quốc hội, đồng thời chuẩn bị tốt nhất các điều kiện để kỳ họp diễn ra thành công.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!