Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Nguyễn Duy Trinh gặp gỡ báo chí sau khi ký kết Hiệp định Paris, ngày 27/1/1973. Ảnh: Tư liệu quốc tế/TTXVN phát
Hiệp định về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam (gọi tắt là Hiệp định Paris) được ký kết ngày 27/1/1973. Đây là kết quả của một quá trình đàm phán cam go, phức tạp nhất, nhưng cũng là một thắng lợi vẻ vang nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam.
4 năm, 8 tháng, 14 ngày là cả một quá trình đàm phán để Hiệp định Paris được ký kết với việc Mỹ phải rút quân hoàn toàn khỏi miền Nam Việt Nam.
Trước đó, Hội nghị Trung ương lần thứ 13, khóa III Đảng đã xác định: Ngoại giao là một mặt trận quan trọng phối hợp với mặt trận quân sự và mặt trận chính trị để đấu tranh với Mỹ, mở ra cục diện "vừa đánh, vừa đàm".
Cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 buộc Mỹ phải vào bàn đàm phán. Đến năm 1972, Tổng thống Nixon muốn Mỹ "thương lượng trên thế mạnh" nên đã đặt cược vào sức mạnh hủy diệt của B52 trong Chiến dịch Linebacker II nhằm tìm lối thoát cho cuộc chiến ở Việt Nam. Nhưng Mỹ đã thất bại. Chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" tháng 12/1972 của Hà Nội đã buộc Washington phải nối lại cuộc đàm phán ở Paris.
Hiệp định được ký kết ngày 27/1/1973. Đây là bước tiến quan trọng có tính quyết định để đi đến thắng lợi cuối cùng là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!