Thà ít mà tốt
Từ 5.000 đảng viên năm 1945, đến nay, Đảng ta đã có hơn 5 triệu đảng viên là lực lượng nòng cốt lãnh đạo để đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ vị thế như ngày nay.
Tuy nhiên có không ít cá nhân đã không tiếp tục rèn luyện khi được đứng vào hàng ngũ của đảng dẫn đến không vững vàng bản lĩnh, không tiên phong, không gương mẫu, xa vào chủ nghĩa cá nhân nên không thể hiện được vai trò hạt nhân chính trị. Thậm chí suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống, tham nhũng, vi phạm pháp luật.
Với quan điểm "thà ít mà tốt", Trung ương tiếp tục đặt vấn đề nâng cao chất lượng đảng viên, sàng lọc, kiên quyết đưa những người không đủ tư cách ra khỏi Đảng.
Trong chương trình Tọa đàm của Đài Truyền hình Việt Nam với chủ đề Tự soi - Tự sửa, ông Nguyễn Đức Hà, Giảng viên cao cấp Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ cơ sở đảng, Ban tổ chức Trung ương và ông Lê Văn Cường, Phó Viện trưởng viện xây dựng đảng, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã cùng bàn luận về câu chuyện chất lượng đảng viên.
Toàn cảnh Tọa đàm: Tự soi - Tự sửa
Rõ ràng chất lượng đảng viên là điều mà Đảng ta, trong quá trình phát triển đã rất quan tâm và ngày càng quan tâm hơn nữa, nhất là nhìn vào bối cảnh hiện nay.
Nhìn vào những trang báo trong tuần, đặc biệt là những trang báo đăng tải thông báo của Ủy ban kiểm tra Trung ương mỗi tháng một lần, là chúng ta hiểu rõ nguyên nhân tại sao. Những Ban Thường vụ bị kỷ luật, những đảng viên bị cảnh cáo, khiển trách, khai trừ khỏi đảng, rồi dính vòng lao lý, bởi nhúng chàm trong những vụ việc tham nhũng gây bức xúc dư luận, hay vì suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống. Đây là những hồi chuông cảnh báo đối với Đảng ta về chất lượng đảng viên.
Chính vì thế mà tại Hội nghị Trung ương 5 mới đây, "Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong tình hình mới" là một trong 4 Nghị quyết rất quan trọng được thông qua.
Những đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật, liên quan đến những vụ án nghiêm trọng khiến dư luận bức xúc. Tại Hội nghị Trung ương 5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã một lần nữa thẳng thắn chia sẻ những lo ngại về chất lượng đảng viên, về sự cần thiết phải nâng cao hơn nữa chất lượng, sức mạnh và tính chiến đấu của Đảng theo phương châm "thà ít mà tốt".
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị Hội nghị Trung ương 5. Ảnh: TTXVN.
"Không ít cán bộ, đảng viên bản lĩnh chính trị chưa vững vàng; vai trò tiên phong, gương mẫu còn hạn chế; tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình còn yếu. Năng lực, trình độ của một số cấp ủy viên, bí thư cấp uỷ, cán bộ, đảng viên chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc, nội dung, chế độ sinh hoạt cấp uỷ, đảng bộ, chi bộ chậm đổi mới. Nhiều nơi, chi bộ chưa thể hiện được vai trò là hạt nhân chính trị, tiên phong, gương mẫu nên nhân dân chưa thực sự tin tưởng. Thậm chí có một bộ phận cán bộ, đảng viên còn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", vi phạm nguyên tắc, kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Đề nghị các đồng chí nghiên cứu thật kỹ, thảo luận thật dân chủ, thẳng thắn, tạo sự thống nhất cao về những vấn đề nêu trong Tờ trình, để sau Hội nghị Trung ương lần này chúng ta có bước chuyển biến, tiến bộ mới, thực chất, mạnh mẽ, hiệu quả, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, sức mạnh và tính chiến đấu của Đảng ta theo đúng tinh thần tư tưởng của Lê-nin "Thà ít mà tốt"; "những đảng viên hữu danh vô thực thì cho không chúng ta cũng không cần!" - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Hội nghị Trung ương 5.
Chủ nghĩa cá nhân - nguồn gốc sâu xa dẫn tới suy thoái, biến chất
Số lượng đảng viên tăng lên, ấy là điều đáng mừng. Nhưng điều cần quan tâm hơn, đó là những đảng viên ấy có chất lượng thế nào, làm được những gì cho Đảng, cho dân, cho nước. Nếu đông mà không mạnh thì thà ít mà tốt. Ít mà tốt, điều này đã từng diễn ra trong quá trình phát triển của Đảng ta.
Đọc lại lịch sử, năm 1945, dân số cả nước có 25 triệu người, trong đó có 5.000 đảng viên sau 15 năm Đảng được thành lập, thế nhưng Đảng đã lãnh đạo thành công Cách mạng tháng Tám. Rồi sau đó, dẫn dắt đất nước qua những cuộc kháng chiến thần kỳ giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Những đảng viên ngày đó, họ mang trong trái tim mình những gì để có thể đưa đất nước "rũ bùn đứng dậy sáng lòa". Tấm gương về những đảng viên thời kỳ gian khổ ấy, là minh chứng rõ nét nhất cho câu chuyện "chất lượng đảng viên" - điều mà hiện nay Đảng ta trăn trở.
Nhắc lại chuyện xưa để nói chuyện ngày nay. Vào năm 1945, dân số nước ta 25 triệu người thì có 5000 đảng viên. Còn hiện nay dân số Việt Nam hiện khoảng 100 triệu người thì có hơn 5 triệu đảng viên. Tức là so với năm 1945, dân số đã tăng 4 lần, còn số lượng đảng viên tăng 1000 lần.
Tăng 1000 lần về số lượng, nhưng chất lượng lại không tăng nhanh đến như thế. Số lượng đảng viên ngày nay lớn như vậy nhưng nhiều tổ chức Đảng không mạnh, số lượng đảng viên suy thoái, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật có chiều hướng tăng lên khiến nhân dân bức xúc, thậm chí dẫn đến mất niềm tin vào đảng. Câu nói vì Đảng, vì Tổ quốc, vì nhân dân, đối với một số đảng viên, chỉ được hô to nhất vào lễ kết nạp Đảng.
Những gì họ thể hiện trong quá trình công tác lại thiên về tính cá nhân, chăm lo, vun vén, thu lợi cho bản thân mình. Những đảng viên đã sa vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân thì làm gì còn nhớ nổi lý tưởng mà mình đã thề sẽ trung thành, khi được đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Tháng 4/2021, ông Tất Thành Cang, cựu Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh khởi tố, bắt tạm giam về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí lớn.
Tháng 7/2021, ông Trần Văn Nam, cựu Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương bị khởi tố, bắt tạm giam về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo điều 219 BLHS.
Tháng 10/2021, 9 tướng lĩnh Cảnh sát biển Việt Nam nhận án kỷ luật do thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để Bộ Tư lệnh và các đơn vị trực thuộc có nhiều vi phạm nghiêm trọng trong công tác quản lý, sử dụng tài chính; thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản; mua sắm thiết bị kỹ thuật, vật tư, hàng hoá; đấu tranh phòng, chống buôn lậu.
Báo cáo của các cấp ủy Đảng cho thấy, từ năm 2016-2021, có trên 87.000 cán bộ, đảng viên bị kỷ luật. Từ góc độ xây dựng Đảng, bệnh chủ nghĩa cá nhân là mẫu số chung khiến nhiều Đảng viên vi phạm pháp luật. Chủ nghĩa cá nhân là nguồn gốc sâu xa dẫn tới suy thoái, biến chất của cán bộ, đảng viên.
Một trong những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân là vun vén vật chất, quyền lực cho mình. Nhưng cái vô hình bị bào mòn hằng ngày, hàng giờ chính là lòng tin của quần chúng nhân dân với Đảng. Vật chất đều có giá trị giới hạn nhưng còn lòng tin là vô giá.
Từ những biểu hiện suy thoái đạo đức của một số cán bộ đảng viên, có thể thấy những vấn đề cần lưu tâm trong công tác phát triển đảng cũng như chất lượng sinh hoạt tại tổ chức đảng. Số lượng đảng viên thì tăng lên, nhưng chất lượng đảng viên thì không tăng tương ứng, thậm chí giảm xuống ở một số nơi.
Để đến mức phải xử lý kỷ luật đảng viên do mắc sai phạm, đó là điều không ai mong muốn. Điều này cũng chỉ giải quyết phần ngọn của vấn đề. Điều gốc rễ, quan trọng ở đây, đó là phải quan tâm, làm tốt công tác phát triển đảng, kiểm soát đầu vào, không ngừng bồi dưỡng, giám sát chất lượng đảng viên trong quá trình công tác.
Nhưng quan trọng nhất, vẫn phụ thuộc từng cá nhân mỗi đảng viên. Chính họ chứ không ai khác, sẽ phải là người phải hoàn thiện bản thân, nhất là qua việc tự soi, tự sửa. Dẫu biết rằng, chiến thắng chính mình luôn là điều khó nhất, nhưng khó thì vẫn phải làm. Bởi sau khi đứng trước cờ Đảng, đọc lời tuyên thệ sẽ trung thành với lý tưởng cao đẹp của Đảng, quyết tâm phục vụ đất nước, nhân dân, thì họ đã là người đảng viên. Đã là đảng viên thì phải làm được những việc lớn lao, khó khăn mà không phải ai cũng làm được.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!