Nhiều tội phạm phát sinh mới như bắt cóc trẻ em, giấu ma túy trong kem đánh răng
Tại phiên thảo luận của Quốc hội ngày 21/11, nhiều đại biểu đã tham gia ý kiến về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) nêu lên nhiều loại hình tội phạm phát sinh mới như bắt cóc trẻ em ở nhà trẻ đòi tiền chuộc gây tâm lý lo sợ cho phụ huynh có con em gửi nhà trẻ; tội phạm hoạt động đăng kiểm, đào tạo, sát hạch lái xe; vụ tiếp viên hàng không vận chuyển 11 kg ma túy được giấu trong tuýp kem đánh răng, vụ khủng bố ở tỉnh Đắc Lắk, vụ án Vạn Thịnh Phát…
Đại biểu Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp)
Cho răng những vụ việc trên thể hiện sự hạn chế nhất định trong công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm, đại biểu đề nghị Chính phủ, các ngành chức năng có đánh giá thật kỹ, thực tế, khách quan, cầu thị về thực trạng trên khi trong năm nay các vụ việc, số người vi phạm lại tăng trong khi các vụ giảm lại không đáng kể, tìm nguyên nhân để có biện pháp khắc phục hữu hiệu, lấy lại lòng tin với người dân, nhất là vụ án nghiêm trọng, rất nghiêm trọng liên quan đến cuộc sống, sinh hoạt, tâm lý, tình cảm, cuộc sống bình yên của người dân.
Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (tỉnh Lai Châu) cũng đánh giá tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật năm 2023 tăng cả về số vụ, số người chết và thiệt hại về tài sản do tội phạm gây ra, trong đó một số loại tội phạm tăng mạnh, nhất là tội phạm gây rồi trật tự công cộng không chỉ gây bất an cho nhân dân mà còn thể hiện những hạn chế nhất định trong công tác phòng ngừa tội phạm trên một số lĩnh vực.
Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (tỉnh Lai Châu)
Về nguyên nhân của vấn đề này, đại biểu Khánh cho rằng, bên cạnh nguyên nhân đã nêu trong báo cáo của Chính phủ là do tình hình COVID-19 với những khó khăn về KT-XH tác động đến đời sống, việc làm của một bộ phận người dân thì còn nguyên nhân khác.
Đó là công tác đánh giá, dự báo tình hình chưa tốt và công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật chưa có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức, nhất là cảnh báo phương thức thủ đoạn phạm tội để người dân biết, phòng ngừa đấu tranh.
Đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá đầy đủ nguyên nhân để từ đó có những giải pháp phòng ngừa đấu tranh hiệu quả.
ĐBQH tỉnh Lai Châu cũng đề nghị cần có biện pháp hiệu quả để phòng ngừa tình trạng lừa đảo, giả mạo cơ quan chức năng, các tổ chức tín dụng, các cơ quan nhà nước để chiếm đoạt tiền của người dân, đặc biệt ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số.
Có những vấn đề cần phải có thời gian để khắc phục
Phát biểu giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội đã nêu, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, với khối lượng công việc, các cơ quan chức năng phải giải quyết trong năm 2023 rất lớn, trải rộng trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Do đó, việc còn những tồn tại, hạn chế cũng là điều khó tránh khỏi.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm
Chỉ ra nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế này, Đại tướng Tô Lâm cho biết, nhóm nguyên nhân đầu tiên thuộc về chủ quan của các cơ quan chức năng như vấn đề triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; các vi phạm trong điều tra, xử lý tội phạm; về phối hợp giữa các cơ quan chức năng; về tinh thần, trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ, cá biệt có những trường hợp sai phạm, tiêu cực, vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó là những khó khăn, vướng mắc về mặt pháp luật, cơ chế chính sách; về nguồn lực trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.
"Nhìn tổng thể chung, yêu cầu nhiệm vụ tăng lên, nhưng biên chế và kinh phí, phương tiện thì vẫn còn nhiều khó khăn, thậm chí không được tăng. Những vấn đề tồn tại, khó khăn, vướng mắc có những vấn đề có thể khắc phục được ngay nhưng có vấn đề cũng cần phải có thời gian" - Bộ trưởng Bộ Công an cho biết.
Đại tượng Tô Lâm cũng nhấn mạnh, nhiệm vụ công tác bảo đảm an ninh trật tự trong thời gian tới là rất nặng nề, khó khăn và cấp bách. Tình hình hiện nay diễn biến hết sức mau lẹ và phức tạp. Lĩnh vực đấu tranh tội phạm vi phạm pháp luật là lĩnh vực có phạm vi rất rộng, liên quan đến nhiều cấp nhiều ngành, vừa là vấn đề có ý nghĩa chiến lược lâu dài vừa là vấn đề cấp bách trước mắt.
Theo báo cáo của Chính phủ, trong năm 2023, nhiều loại hình tội phạm gia tăng, trong đó một số loại tội phạm tăng mạnh:
Số vụ giết người: Tăng 12,65%,
Số vụ cướp tài sản: Tăng 44,4%,
Số vụ cướp giật: Tăng 17,68%,
Số vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Tăng 61,52%,
Số vụ cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự: Tăng 67,85%,
Số vụ gây rối trật tự công cộng: Tăng 80,75%,
Số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế: Tăng 11,69%,
Số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ: Tăng 51,63%.
Số vụ phạm tội về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm: Tăng 18,87%.
Số vụ phạm tội ma túy được phát hiện: Tăng 17,68%.
Tội phạm xâm hại trẻ em: Tăng 41,88%.
Tội phạm và vi phạm pháp luật trên không gian mạng (đánh bạc qua mạng, mua bán, lấy cắp thông tin, dữ liệu cá nhân): Tăng 203,61%.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!