TP Hồ Chí Minh bàn giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế

Theo Báo Nhân Dân điện tử-Thứ hai, ngày 18/10/2021 18:41 GMT+7

Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ ba.

VTV.vn - Ngày 18/10, HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X đã khai mạc Kỳ họp thứ ba. Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, tham dự Kỳ họp.

Phát biểu khai mạc Kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ cho biết, đến nay, 22 quận, huyện, TP Thủ Đức đã đạt tiêu chí kiểm soát dịch, chuẩn bị sẵn sàng bước vào giai đoạn "bình thường mới". Số ca mắc COVID-19 trong ngày đã giảm xuống ba con số; số tử vong giảm rất sâu xuống hai con số; tỷ lệ tiêm vaccine mũi 1 cho người từ đủ 18 tuổi trở lên đạt gần 99% và tỷ lệ tiêm mũi 2 đạt hơn 76%. Hệ thống y tế tiếp tục được củng cố; tỷ lệ sử dụng giường điều trị COVID-19 hiện đã giảm còn 22,78% so với công suất và tiếp tục duy trì. Thành phố đã thí điểm mở cửa trở lại một số hoạt động kinh tế - xã hội, bước đầu ghi nhận ý thức phòng, chống dịch của doanh nghiệp và người dân được bảo đảm.

Việc giãn cách xã hội kéo dài đã khiến kinh tế thành phố phải trả một cái giá không nhỏ. Các lĩnh vực sản xuất kinh doanh 9 tháng năm 2021 giảm mạnh; giá trị tổng sản phẩm (GRDP) ước giảm 4,98% và dự báo cả năm giảm 5,06% (mục tiêu tăng 6%). Qua rà soát 20 chỉ tiêu chủ yếu (với 29 chỉ tiêu thành phần) năm 2021 theo Nghị quyết HĐND thành phố, dự kiến chỉ hoàn thành 11/29 chỉ tiêu (37,93%), không hoàn thành 13/29 chỉ tiêu (44,83%), 5 chỉ tiêu chưa tính toán được trong thời điểm này. Dự báo, thu ngân sách nhà nước không giảm sâu, nhưng việc hoàn thành kế hoạch năm 2021 sẽ khó khăn.

TP Hồ Chí Minh bàn giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - Ảnh 1.

Các đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh trao đổi bên lề Kỳ họp.

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình cho biết, một trong những giải pháp mà thành phố đang thực hiện nhằm phục hồi và phát triển kinh tế là cải thiện môi trường đầu tư. Thành phố sẽ kiện toàn, đổi mới mô hình hoạt động Tổ công tác đầu tư trên địa bàn, đồng thời thành lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư có sử dụng vốn ngoài ngân sách. TP Hồ Chí Minh cũng thành lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Trong giai đoạn khó khăn này, thành phố chủ động tổ chức nhiều buổi tiếp xúc trực tiếp và trực tuyến với các hiệp hội doanh nghiệp trong, ngoài nước để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, đề ra các phương thức sản xuất phù hợp, an toàn, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất và xuất nhập khẩu.

TP Hồ Chí Minh cũng đã ban hành kế hoạch chi tiết triển khai 11 chiến lược phòng, chống dịch COVID-19 trong giai đoạn mới. Trong đó, triển khai mở cửa từng bước thận trọng, chặt chẽ, chắc chắn theo phương châm "an toàn là trên hết", "an toàn tới đâu mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn". Phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong vùng bảo đảm lưu thông hàng hóa, vận tải hành khách, vận chuyển người lao động… từng bước đưa sinh hoạt của người dân sang trạng thái "bình thường mới".

TP Hồ Chí Minh chủ động tiếp cận nguồn vaccine, thuốc đặc trị COVID-19, trang thiết bị vật tư y tế, triển khai tiêm vaccine cho trẻ em ngay khi có hướng dẫn của Bộ Y tế và có nguồn vaccine phù hợp. Thành phố đang nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút mọi nguồn lực tham gia công tác phòng, chống dịch và chăm sóc sức khỏe người dân.

Tại kỳ họp, UBND TP Hồ Chí Minh có tờ trình đề xuất thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh) với chiều dài toàn tuyến 50 km, trong đó, đoạn qua TP Hồ Chí Minh dài 23,7 km; điểm đầu từ đường vành đai 3 thuộc huyện Củ Chi. Tuyến cao tốc này đi song song với Quốc lộ 22 hiện hữu. Điểm cuối kết nối vào quốc lộ 22 tại khu vực cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh).

Tuyến đường có 8 làn xe, đoạn còn lại trên địa phận tỉnh Tây Ninh có 6 làn xe. Dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BOT). Theo đó, nhà đầu tư thu phí hoàn vốn theo hợp đồng BOT; Nhà nước hỗ trợ chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng từ nguồn vốn ngân sách của TP Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh. Tổng mức đầu tư dự kiến (giai đoạn 1) là 15.900 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng là 5.417 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn đầu tư và chi phí khác là 1.836 tỷ đồng; chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư là 7.433 tỷ đồng; chi phí dự phòng là 1.214 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án (giai đoạn 1) dự kiến trong giai đoạn 2021-2025.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước