Trong cơn đại dịch nổi bật lên tinh thần đoàn kết, kiên cường
Chiều 12/10, Đoàn Đại biểu quốc hội TP Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị Giám sát việc thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 theo nghị quyết 30 của Quốc hội, các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các giải pháp để kiểm soát dịch COVID-19, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố trong thời gian tới.
Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nhận định, các ý kiến của đại biểu Quốc hội, lãnh đạo Trung ương chủ yếu tập trung về công tác y tế và phục hồi kinh tế. Những đóng góp chặt chẽ, sát đáng, thực tế đã gợi mở nhiều vấn đề quan trọng, phù hợp với đặc điểm TP, giúp TP trong việc tổng kết toàn diện về công tác phòng, chống dịch và chuẩn bị cho giai đoạn mới.
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên phát biểu. Ảnh: TTXVN
Theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, TP Hồ Chí Minh đã trải qua những ngày tháng hết sức khốc liệt do dịch COVID-19 hoành hành. Trong cơn đại dịch, nổi bật lên tinh thần đoàn kết, thương yêu, đùm bọc, sự kiên cường chịu đựng, đồng cam cộng khổ để vượt qua khó khăn, thử thách hết sức cam go của đồng bào và doanh nghiệp trên địa bàn. Bên cạnh đó, TP cũng nhận được sự chỉ đạo, đồng hành, chia sẻ, quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở.
Thay mặt lãnh đạo, nhân dân TP Hồ Chí Minh, ông trân trọng cảm ơn các tổ chức, cá nhân đã đóng góp tinh thần, vật chất, tạo nên kết quả trong công tác chống dịch của TP. Đồng thời, cảm ơn Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, đoàn đại biểu Quốc hội khóa 15, đơn vị TP đã chọn thời điểm, nội dung tổ chức cuộc giám sát hết sức quan trọng và ý nghĩa.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho hay, trong quá trình chuẩn bị giai đoạn tái thiết, TP có sự biến động khi một lượng lớn người dân từ TP Hồ Chí Minh về các tỉnh, thành và ngược lại. Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đã kêu gọi người dân ở lại và tổ chức đưa những người có nguyện vọng về quê một cách chu đáo, an toàn. Bằng những hỗ trợ về nhân lực, thiết bị y tế, TP Hồ Chí Minh sẵn sàng chia sẻ cùng các tỉnh đang gặp khó khăn khi tiếp nhận người dân trở về.
Hiện tại, TP đã xây dựng nhiều chiến lược về y tế, kinh tế, xã hội, trong đó quan tâm đến dân cư và nhà ở cho người lao động. Tuy nhiên, việc kiến thiết lại TP sao cho đảm bảo các vấn đề xã hội, người dân có thể yên tâm đến sinh sống, làm ăn là vô cùng khó khăn.
Do đó, TP Hồ Chí Minh mong Chủ tịch nước tiếp tục ủng hộ, chỉ đạo, huy động lực lượng tiếp tục xây dựng các dự án về xã hội tại đây.
"Chúng tôi tin tưởng và mong rằng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP sẽ tiếp tục quan tâm, giúp đỡ TP trong thời gian tới", Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên chia sẻ.
Chuyển chiến lược từ "Zero COVID" sang "thích ứng an toàn với dịch bệnh"
Phát biểu chỉ đạo tại buổi giám sát, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chia sẻ đến Đảng bộ chính quyền và nhân dân TP về những tổn thất, mất mát, đau thương mà TP Hồ Chí Minh phải gánh chịu sau đại dịch. Bằng tinh thần đoàn kết, quyết tâm thực hiện nhiều biện pháp, huy động nhiều nguồn lực, TP đã vượt qua đỉnh dịch, vượt qua thời điểm khó khăn nhất trong bảo vệ sức khỏe và tính mạng nhân dân.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng biểu dương nỗ lực của lãnh đạo, nhân dân, lực lượng tuyến đầu, đồng bào trong/ngoài nước, các doanh nghiệp, cộng đồng tôn giáo đã chung sức đồng lòng phòng chống dịch và hỗ trợ an sinh xã hội. Đồng thời, đánh giá cao tinh thần của tập thể dưới sự chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cùng những biện pháp, sáng tạo của TP trong đợt dịch vừa qua.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. Ảnh: TTXVN
Cụ thể, TP sáng tạo trong thể chế quản lý, đưa ra những chỉ thị phù hợp với tình hình; xây dựng các túi an sinh, phương án đi chợ hộ để hỗ trợ người dân; cố gắng tìm kiếm đủ vaccine để đảm bảo mục tiêu tiêm chủng; đảm bảo an ninh trật tự toàn xã hội trong bối cảnh khó khăn; huy động nhiều lực lượng, doanh nghiệp, người trẻ, doanh nghiệp tham gia chống dịch; tận tình với lực lượng hỗ trợ từ các tỉnh, thành;… Bên cạnh đó, Chủ tịch nước cũng đánh giá cao chương trình "Dân hỏi - Thành phố trả lời" đã phần nào tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đồng tình với phương án chuyển chiến lược từ "Zero COVID" sang "thích ứng an toàn với dịch bệnh" của TP. Tuy nhiên, việc này cần thực hiện an toàn, có chiến lược, kết hợp giữa vaccine - 5K - khẩu trang, khử khuẩn.
Để TP Hồ Chí Minh khôi phục kinh tế, Chủ tịch nước đề ra 5 nhiệm vụ gồm: đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa thông suốt; đối thoại nắm bắt khó khăn, khôi phục, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy gói hỗ trợ thuế, tín dụng, thu hút đầu tư tư nhân, đẩy mạnh đầu tư công; có chính sách tiền tệ và tài khóa phù hợp; giải quyết vấn đề lao động việc làm, tạo điều kiện để người dân lên TPHCM được tiêm vaccine; đảm bảo an sinh xã hội, tiếp tục hỗ trợ thể chất, tinh thần cho nhóm tổn thương trong và sau đại dịch.
Trong thời gian tới, TP cần tìm ra động lực mới trong tăng trưởng; tháo gỡ vướng mắc trong cơ chế; tổ chức lại ngành y tế từ TP đến các quận, huyện; đầu tư phát triển nông nghiệp số, thương mại số; phân bố lại cơ sở sản xuất theo hướng dịch chuyển cơ sở sản xuất gần với người lao động; hướng đến mô hình nền kinh tế sáng tạo…
Để làm được, TP phải có chính sách hỗ trợ, phục hồi doanh nghiệp cần cao hơn mức chung của cả nước; nâng cao năng lực quản trị của chính quyền các cấp, chính quyền; sớm xây dựng trung tâm tài chính khu vực; đề nghị 1 nghị quyết mới mở rộng phân cấp, phân quyền; nghiên cứu cơ chế phối hợp chung giữa TP Hồ Chí Minh và các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam;…
Nhằm giúp TP Hồ Chí Minh lấy lại tăng trưởng, tạo sức bật cho các năm sau, Chủ tịch nước đề nghị các đại biểu Quốc hội, Ban Thường vụ Thành ủy TP đề xuất Quốc hội, Chính phủ sớm tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP lên 23% ngay năm 2022. Đẩy mạnh truyền thông, khẳng định TP Hồ Chí Minh là TP năng động, văn minh, nghĩa tình, hiện đại. Đặt kế hoạch tái cấu trúc, phát triển, tái kiến thiết TP sau đại dịch là nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, chú trọng phát triển hạ tầng, làm nhanh đường vành đai, kết nối các trung tâm có liên quan bằng việc đấu giá đất sạch, cổ phần hóa doanh nghiệp, phát hành trái phiếu, phát triển một số TP vệ tinh…
"Một mô hình trung tâm tài chính ngân hàng nâng tầm quốc tế, huy động nguồn vốn quốc tế đang đặt ra cho TP Hồ Chí Minh", Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc kết luận.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!