TP Hồ Chí Minh thông qua chủ trương đầu tư 2 dự án lớn trị giá hơn 12 nghìn tỷ đồng

Tạ Hiển-Thứ năm, ngày 22/04/2021 10:42 GMT+7

Nút giao thông An Phú

VTV.vn - HĐND Thành phố Hồ Chí Minh khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 đã nhất trí chủ trương xây dựng nút giao thông An Phú và cải tạo môi trường kênh Tham Lương-Bến Cát-Rạch Nước Lên.

Tự hào về những thành quả đạt được trong nhiệm kỳ 2016 - 2021

Sáng 22/4, HĐND TP Hồ Chí Minh tổ chức kỳ họp lần thứ 25 (chuyên đề) và tổng kết hoạt động HĐND TP Hồ Chí Minh khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021. Đến dự có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh Trần Lưu Quang. Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ chủ trì kỳ họp.

TP Hồ Chí Minh thông qua chủ trương đầu tư 2 dự án lớn trị giá hơn 12 nghìn tỷ đồng - Ảnh 1.

Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ phát biểu khai mạc Kỳ họp. Ảnh: TTXVN

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ cho biết tại kỳ họp 25 - kỳ họp chuyên đề này, HĐND TP tiến hành xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh giá đất năm 2021 trên địa bàn TP; Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng nút giao thông An Phú, TP Thủ Đức và dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên và dự thảo Nghị quyết tiếp tục thực hiện Đề án Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, xem xét, quyết định bầu nhân sự HĐND TP để ổn định về mặt tổ chức, đáp ứng kịp thời yêu cầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI.

Đồng thời, kỳ họp cũng tổng kết, xem xét các báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của HĐND TP khóa IX; Báo cáo của UBND TP về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - văn hóa - xã hội và triển khai thực hiện Nghị quyết HĐND khóa IX; Báo cáo của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP về tham gia xây dựng chính quyền nhiệm kỳ 2016-2021.

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ khẳng định: Đến thời điểm này, sau 5 năm, tổ chức 25 kỳ họp, HĐND TP có quyền tự hào về những thành quả đạt được trong cả nhiệm kỳ 2016 - 2021. Suốt chặng đường qua, HĐND TP đã nỗ lực, đoàn kết cùng UBND TP, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, các cơ quan chức năng hoàn thành trọng trách được giao, tạo nên sức mạnh tổng hợp để cùng hệ thống chính trị TP đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của TP, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Cũng theo đồng chí Nguyễn Thị Lệ, 5 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP đã phát huy truyền thống cách mạng, bản lĩnh kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo, nghĩa tình, nỗ lực phấn đấu, cải tiến, đổi mới, luôn hành động vì lợi ích của nhân dân, để hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra trong nhiệm kỳ.

"Có thể nói, đây là kỳ họp mang tính cầu nối giữa nhiệm kỳ 2016-2021 và nhiệm kỳ mới; vừa là dịp để đánh giá, nhìn nhận lại những thành tựu, kết quả đã đạt được, những tồn tại, hạn chế trong quá trình hoạt động của HĐND khóa IX, để từ đó phân tích rõ nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc, vừa là để kế thừa và phát huy những thành quả trong nhiệm kỳ đã đạt được, làm cơ sở cho việc tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND trong nhiệm kỳ tới" – Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh; đồng thời đề nghị các đại biểu tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết, chất lượng góp phần vào thành công của kỳ họp.

Thông qua chủ trương xây dựng nút giao thông An Phú, cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên

TP Hồ Chí Minh thông qua chủ trương đầu tư 2 dự án lớn trị giá hơn 12 nghìn tỷ đồng - Ảnh 2.

Đại biểu HĐND Thành phố biểu quyết thông qua Nghị quyết tại Kỳ họp thứ 25. Ảnh: TTXVN

Tại kỳ họp, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan trình bày các tờ trình về Dự thảo Nghị quyết về tiếp tục thực hiện Đề án Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn TP Hồ Chí Minh; dự thảo Nghị quyết cho ý kiến về hệ số điều chỉnh giá đất năm 2021 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh; Quyết định chủ trương đầu tư dự án Xây dựng Nút giao thông An Phú, TP Thủ Đức và dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương- Bến Cát - rạch Nước Lên.

HĐND Thành phố Hồ Chí Minh khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 sau đó đã nhất trí chủ trương xây dựng nút giao thông An Phú 3 tầng trị giá hơn 3.900 tỷ đồng tại thành phố Thủ Đức và dự án xây dựng, cải tạo môi trường kênh Tham Lương-Bến Cát-Rạch Nước Lên trị giá 8.200 tỷ đồng, nhằm hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển Thành phố trong thời gian tới.

Theo kết quả thẩm định về việc xây dựng nút giao thông An Phú, phương án thiết kế xây dựng nút giao có 3 tầng gồm: Hầm chui (2 chiều) kết nối đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ (theo hướng đi về hầm vượt sông Sài Gòn và ngược lại); kết hợp hầm chui được kéo dài qua nút giao Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống.

Công trình sẽ được đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025 với tổng mức đầu tư 3.926 tỉ đồng bằng nguồn vốn ngân sách, trong đó vốn Trung ương 1.800 tỉ đồng, vốn TP Hồ Chí Minh là 2.126 tỉ đồng.

Theo Hội đồng thẩm định TP Hồ Chí Minh, việc đầu tư xây dựng nút giao thông An Phú sẽ góp phần giải tỏa ách tắc giao thông tại đầu tuyến đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây - đây là tuyến huyết mạch kết nối giao thông giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Trong tương lai gần, khi sân bay Long Thành được xây dựng và đưa vào khai thác, lưu lượng phương tiện trên tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây sẽ ngày càng gia tăng. Do đó, nút giao này sẽ góp phần tăng cường kết nối giao thông giữa đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, nâng cao hiệu quả khai thác sân bay Long Thành.

TP Hồ Chí Minh thông qua chủ trương đầu tư 2 dự án lớn trị giá hơn 12 nghìn tỷ đồng - Ảnh 3.

Kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên là một trong những tuyến kênh ô nhiễm nặng ở TP Hồ Chí Minh (Ảnh: Dân trí)

Về dự án cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên, đây là một trong những tuyến kênh ô nhiễm nặng ở TP Hồ Chí Minh. Tuyến kênh này đi qua 7 quận huyện nên ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhiều hộ dân xung quanh.

Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị thuộc UBND TP Hồ Chí Minh đã báo cáo dự án xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường tuyến kênh này. Kiến nghị TP có tờ trình để Hội đồng nhân dân thông qua trong kỳ họp vào cuối tháng 4.

Theo đó, dự án sẽ xây bờ kè dài hơn 32 km bằng bê tông; nạo vét toàn tuyến kênh; làm mới, sửa chữa các cống kết nối; xây 12 bến thuyền; làm đường và các công trình hạ tầng dọc theo 2 bên kênh với tổng kinh phí là 8.200 tỷ đồng. Trong đó 4.000 tỷ là vốn Trung ương. Phần còn lại là vốn đối ứng từ ngân sách thành phố.

Dự án được kỳ vọng sẽ làm thay đổi bộ mặt đô thị, góp phần cải thiện đời sống, môi trường cho khoảng 2 triệu người dân trong lưu vực. Góp phần thoát nước, chống ngập cho 7 quận huyện, lại có thêm tuyến giao thông thủy, bộ kết nối TP Hồ Chí Minh đi Bình Dương, Đồng Nai.

TP Hồ Chí Minh đầu tư 2.000 tỷ đồng 'hồi sinh' kênh Hy Vọng TP Hồ Chí Minh đầu tư 2.000 tỷ đồng "hồi sinh" kênh Hy Vọng

VTV.vn - 10 năm qua, kênh Hy Vọng đang bị bức tử và ô nhiễm nghiêm trọng do lượng rác thải sinh hoạt khổng lồ thải ra, làm khu vực này luôn bị ngập mỗi khi mưa đến.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước