Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới vừa được ban hành. Đảng ta tiếp tục khẳng định: Đội ngũ trí thức là "Nguyên khí quốc gia", trong đó, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm, tâm huyết của trí thức là một trong các giải pháp trọng tâm.
Nhìn lại lịch sử đất nước, thời kỳ nào cũng có những nhà trí thức lớn dấn thân gánh vác trách nhiệm; đặt lợi ích của dân tộc, của nhân dân cao hơn mọi mưu cầu về danh vọng và địa vị. Nói như người xưa là "Lo trước cái lo của thiên hạ; Vui sau cái vui của thiên hạ".
Năm 1946, kỹ sư Phạm Quang Lễ đang là kỹ sư trưởng của một nhà máy chế tạo máy bay tại Pháp, mức lương lên tới 22 lượng vàng/tháng nhưng ông đã từ bỏ tất cả về nước theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để rồi tạo nên một huyền thoại của ngành quân giới Việt Nam. Cũng trong những ngày tháng đầu kháng chiến ấy, kỹ sư Võ Quý Huân, bác sĩ Trần Hữu Tước và rất nhiều trí thức đã bỏ lại sau lưng cuộc sống đủ đầy, yên ấm ở nước ngoài trở về phục vụ đất nước.
Theo GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam: ''Đất nước cần, nhân dân cần thì những trí thức ấy sẵn sàng ra phục vụ, đây được gọi là thế hệ dấn thân''.
Với trí thức Việt Nam, tiền tài danh vọng chưa bao giờ là điều quan trọng nhất. Từng có nhiều cơ hội làm việc tại các trường đại học danh tiếng trên thế giới nhưng GS.TSKH Nguyễn Đình Đức lại quyết định trở về Việt Nam ngay trong những năm tháng khó khăn của đất nước để rồi trở thành nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực Cơ học, Vật liệu.
''Mong muốn cháy bỏng làm sao để những kiến thức của mình có thể phục vụ được đất nước, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước '', GS.TSKH Nguyễn Đình Đức chia sẻ.
Sau 11 năm học tập và làm việc tại Pháp, TS. Trần Lê Hưng quyết định trở về nước. Không thể so sánh với điều kiện làm việc ở nước ngoài nhưng anh hiểu đất nước đang rất cần trí thức trong lĩnh vực công nghệ xây dựng như anh.
TS. Trần Lê Hưng, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: ''Trong tim chúng ta có hai chữ "Việt Nam" thì tự khắc sẽ tìm được con đường đi cho chính bản thân mình. Đó là con đường cống hiến nghiên cứu khoa học hay vượt qua được những khó khăn trong cuộc sống để hài lòng với bản thân từ đó cống hiến hết sức mình cho Tổ quốc".
Những năm qua, đội ngũ trí thức không ngừng lớn mạnh, lên tới hàng triệu người. Nghị quyết 45 về tiếp tục xây dựng đội ngũ trí thức sẽ tạo điều kiện để trí thức Việt Nam phát huy hết tài năng, tâm huyết, xứng đáng là "vốn liếng quý báu của dân tộc" như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!